Trí Lực ngày ấy - bây giờ

Từ vùng đất chỉ độc canh mía và khóm, đến nay xã Trí Lực, huyện Thời Bình, tỉnh Cà Mau đã vươn mình, là xã nông thôn mới (NTM). Diện tích sản xuất phát triển hơn 2.400ha chuyên lúa-tôm, trong đó có gần 300ha được chứng nhận lúa hữu cơ, 1.100ha lúa sạch, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. Xã hiện có hơn 85% hộ khá giàu, hộ nghèo còn dưới 1%, thu nhập bình đầu người cuối năm 2022 tăng gấp 10 lần so 15 năm trước.

Ông Lê Trung Hiếu (Ba Hiếu) 83 tuổi, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, bắt đầu câu chuyện bằng ký ức đẹp cách nay nửa thế kỷ: “Tháng 3-1973, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Đảm, Bí thư Huyện đoàn Thới Bình (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) khởi xướng lập Phủ thờ Bác Hồ ở ngã tư Kênh 30 và Kênh 7, xem đây là công trình chào mừng đại hội Đoàn của huyện với khẩu hiệu “Tuổi xuân quyết báo đền ơn Bác”. Theo tiếng gọi, thanh niên trong xã dùng xuồng, ghe vận chuyển đất đắp đầy hố bom rộng 3ha lập nền, xây Phủ thờ Bác Hồ”.

Tiếp đến, quân và dân lên kế hoạch đánh đồn dịch. Từ đó, mỗi chuyến xuất quân, mỗi lần chiến thắng, quân và dân đều đến báo công dâng Bác ở Phủ thờ. “Trong công cuộc kiến thiết 48 năm qua trên mảnh đất anh hùng cũng vậy. Truyền thống gắn kết từ trong chiến tranh được Đảng bộ, quân và dân Trí Lực duy trì đến hôm nay”, bà Dương Chúc Linh, Bí thư Đảng ủy xã Trí Lực cho biết.

Trong khuôn viên Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực có cây vú sữa bốn mùa sum suê. Đó là giống cây từ cây Vú sữa miền Nam do má Lê Thị Sảnh gởi tặng Bác Hồ dịp tàu đưa cán bộ tập kết ra Bắc (năm 1954). “Sau khi đất nước độc lập, cây được chiết nhánh từ Hà Nội chuyển về Cà Mau và trồng ở Phủ thờ Bác, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (ngày nay). Cây trồng xuống là bén đất. Từ ngày ấy, khuôn viên Phủ thờ bắt đầu nhân thêm giống, giờ thành vườn vú sữa quanh năm xanh, mát”, ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực cho hay.

 Thu hoạch lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm của HTX Dịch vụ lúa-tôm Trí Lực.

Thu hoạch lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm của HTX Dịch vụ lúa-tôm Trí Lực.

Còn nhớ những năm 1990, Trí Lực từng là vùng “ngự trị” của cây mía. Có lúc, xã đạt mục tiêu trên 90% diện tích trồng mía và là vùng quê có diện tích quy hoạch, trồng, mía lớn nhất, nhì so với các vùng khác ở huyện Thới Bình như: Trí Phải, Tân Bằng, Biển Bạch. Mía rớt giá thê thảm, người nông dân nhiều năm liền cam chịu cảnh bỏ rẫy hoặc đốt bỏ. Cùng cực, đất mía chuyển sang trồng khóm, trúc nhưng nông dân chưa thoát cảnh lao đao, ế ẩm. Không cam chịu, nhiều lượt thanh niên, lão nông ở Trí Lực đưa giống cây, vật nuôi về thay thế nhưng đều thất bại.

Mãi đến năm 2009, khi thực hiện chia tách (xã Trí Phải thành 2 xã Trí Phải và Trí Lực), áp dụng chuyển dịch sản xuất thì nông nghiệp ở Trí Lực bắt đầu tiến triển. Điển hình nhất là thành công của mô hình sản xuất kết hợp lúa-tôm của hai quân nhân xuất ngũ Lê Văn Mưa và Huỳnh Minh Triều. Từ đó, tạo đột phá, đi đúng hướng, bền vững cho nông sản trên đồng đất Trí Lực.

Anh Lê Văn Mưa vẫn còn tâm trạng vui mừng khi nhớ lại vụ tôm-lúa “hốt bạc” đầu tiên. Ngày con tôm về đất rẫy người nông dân như nhàn hơn. Lúa kèm thêm tôm, niềm vui nhân hai. Hiệu quả và giá trị của con tôm, cây lúa những năm 2009-2014 bắt đầu lan nhanh hơn cả vết dầu loang. Để bền vững, anh Mưa bắt tay ngay vào chủ động chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua hợp tác xã (HTX).

Năm 2015, anh bắt đầu ý tưởng cùng Chi hội Cựu chiến binh ở ấp 5, xã Trí Lực lập tổ hợp tác (THT) mang tên THT Liên Minh rồi tìm đối tác cam kết cung ứng, bao tiêu lúa. “Khởi đầu làm mô hình THT, bà con còn ám ảnh mô hình kinh tế tập thể trước đổi mới năm 1986. Vì thế, tui bắt đầu vận động và làm trước”, anh Mưa kể.

Cũng năm ấy, lúa gạo Hoàng Yến là sản phẩm nông sản sạch đầu tiên của THT Liên Minh được huyện Thới Bình chứng nhận là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Anh Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ lúa-tôm Trí Lực cho biết: “Tôi sớm nếm trải hầu hết những nổi cực nhọc của cuộc sống mưu sinh trên đồng đất ở quê. Sau hoàn thành nghĩa vụ quân sự tôi trở về lập nghiệp. Bằng nghị lực vượt khó của người chiến sĩ, phát huy truyền thống quê hương Cây vú sữa Miền Nam tôi vừa học hỏi, vừa thay đổi cách nghĩ, cách làm, sau 10 năm thành công”.

 Một góc quê hương Trí Lực ngày nay.

Một góc quê hương Trí Lực ngày nay.

“Đến tháng 4-2018, HTX Dịch vụ lúa-tôm Trí Lực chính thức thành lập, tiền thân từ THT Liên Minh. Cánh đồng lúa-tôm của HTX rộng đến 800ha với 540 thành viên trải khắp 3/5 ấp của xã Trí Lực. Phấn khởi nhất là HTX kết nối chuỗi cung - ứng, tiêu thụ lúa gạo. Mấy vụ vừa rồi HTX nhận đơn hàng từ 4.000 tấn lúa với chủng duy nhất ST24, giá thu mua cao hơn thị trường từ 15%/1 ký”, anh Mưa trần tình. Không dừng lại, trong 800ha lúa-tôm HTX Trí Lực có hơn 200ha được Công ty lương thực Tấn Dương (An Giang) xác nhận lúa hữu cơ. Đó là sản phẩm cốt lõi nhất của thương hiệu HTX Trí Lực tạo ra.

Cũng như HTX Dịch vụ lúa-tôm Trí Lực, HTX Dịch vụ sản xuất lúa-tôm Ðoàn Phát tuy mới thành lập nhưng có 30 thành viên, 100ha, mỗi năm nhận hợp đồng cung ứng 200 tấn gạo sinh thái cho Công ty lương thực Cỏ May (Đồng Tháp) để xuất khẩu sang thị trường các quốc gia: Singapore, Đài Loan (Trung Quốc),… Anh Huỳnh Minh Triều, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa-tôm Đoàn Phát thông tin: “Gạo sinh thái Từ Tâm giờ khách hàng đặt mua ổn định, giá bán phù hợp (25 đến 30.000 đồng/kg) tùy thời điểm”.

Thành công của 2 HTX góp phần nâng cao hiệu quả xã hội tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế địa phương bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và thị trường. Hiện, trung bình mỗi thành viên của HTX có thu nhập ổn định từ 55 triệu đồng/người/năm. Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực hồ hởi: “Giờ hầu hết bà con đều tham gia vào HTX. Thế mạnh lúa sạch thì được Giám đốc Huỳnh Minh Triều, HTX Đồng Phát đầu tư, bao tiêu; thế mạnh về lúa hữu cơ thì hợp tác với Giám đốc Lê Văn Mưa. Mỗi năm vào vụ lúa-tôm là đồng đất Trí Lực lại rộn ràng”.

Gây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp quê hương như anh Mưa, anh Triều góp phần đắc lực vào phát triển quê hương cây vú sữa miền Nam. Việc phát huy giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường đang đặt ra bài toán mới. Song, với cách làm đầy táo bạo của những thủ lĩnh được luyện, rèn trong môi trường quân ngũ đã và đang gieo thêm niềm tin mới hướng đến nền nông nghiệp sạch mang thương hiệu lúa-tôm Trí Lực.

Bài và ảnh: PHONG PHÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tri-luc-ngay-ay-bay-gio-739382