Trị tật vẽ bẩn, viết bậy

'Chả lẽ bó tay?' là câu than và cũng là câu hỏi của phần lớn bạn đọc trước thông tin đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa bị vẽ bậy. Đây không phải là lần đầu tiên đoàn tàu trị giá hàng tỷ đồng bị bôi bẩn như vậy. Đây cũng không phải lần đầu dư luận bất bình trước những hành động 'bạ đâu vẽ đó' của những kẻ vô ý thức.

Lâu nay, từ nhà dân đến các công trình công cộng, bề mặt mới sơn sửa sạch sẽ, chỉ sau một đêm chi chít đủ loại hình thù kỳ dị. Đáng buồn hơn, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, nhiều người còn coi bề mặt các di tích lịch sử, văn hóa là nơi ghi “dấu ấn” cá nhân. Những bức tượng, chuông, tường đá... loang lổ, nhem nhuốc bởi nét vẽ, nét khắc, chữ ký... vô tội vạ. Các nét vẽ này đa phần viết bằng bút sơn, một loại bút rất khó xóa. Những hành vi tưởng chỉ là chơi đùa, vô ý thức nhất thời nhưng để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân

Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân

Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, điểm tham quan và không ít di tích trong số này bị xâm hại bởi nạn vẽ bậy. Rõ ràng, hành động viết, vẽ bậy lên các công trình công cộng, các di tích không đơn giản là làm bẩn, làm hỏng một đồ vật mà còn làm biến dạng di tích, méo mó giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Điều đáng nói là xã hội càng hiện đại, trình độ dân trí càng cao thì việc viết, vẽ bậy lên di tích lại có xu hướng ngày càng nhiều và đa phần do người trẻ thực hiện. Nhiều trường hợp vẽ bẩn di tích, họ còn "hồn nhiên" chụp ảnh như một “chiến tích” để khoe lên mạng xã hội. Hành động này như vừa thách thức cơ quan chức năng, vừa cổ vũ những người khác bắt chước. Không chỉ xâm hại di tích trong nước, nhiều người Việt còn mang thói quen xấu xí này ra nước ngoài, như câu chuyện một du khách viết chữ Việt lên một di tích cổ ở Nhật Bản gây ồn ào cách đây vài năm là một điều cực kỳ xấu hổ.

Để phòng ngừa thói quen xấu này của một bộ phận người Việt, đã có Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Hình sự, cùng với đó là rất nhiều nghị định đưa ra chế tài xử phạt. Tuy nhiên, hầu hết hành vi nói trên rất ít khi bị xem xét xử lý, chưa đủ sức để răn đe nên những “bóng ma” nhờn luật vẫn cứ hằng đêm lượn lờ bôi bẩn, vẽ bậy lên bất cứ di tích và các công trình văn hóa công cộng.

Thiết nghĩ, với những hành động phá hoại này phải xử bằng luật, không thể kêu gọi suông. Việc tăng mức xử phạt hành chính, bắt đối tượng tham gia lao động công ích là cần thiết. Cần căn cứ vào hậu quả gây ra để xử lý trách nhiệm bồi thường, thậm chí xử lý hình sự. Những người vi phạm nhiều lần cần được kết nối với các chuyên gia tâm lý để chữa trị nguyên nhân của hành vi lệch chuẩn này. Cùng với đó là biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích, bảo vệ các công trình văn hóa và nâng cao hành xử lành mạnh nơi công cộng.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tri-tat-ve-ban-viet-bay-727170