Tri thức bản địa không bao giờ là lỗi thời!

Hóa ra giá trị của tri thức bản địa trong việc tiên đoán nắng mưa không phải là nó chính xác tới đâu, mà chính là chất keo để kết dính giữa các cá nhân trong một cộng đồng, là sợi dây ràng buộc giữa con người với thiên nhiên, để thiên nhiên không bị lãng quên và luôn luôn hiện hữu trong mỗi con người.

(KTSG) – Hóa ra giá trị của tri thức bản địa trong việc tiên đoán nắng mưa không phải là nó chính xác tới đâu, mà chính là chất keo để kết dính giữa các cá nhân trong một cộng đồng, là sợi dây ràng buộc giữa con người với thiên nhiên, để thiên nhiên không bị lãng quên và luôn luôn hiện hữu trong mỗi con người.

Mùa khô năm 2023-2024 đã qua rồi, nhưng dư âm của những ngày nắng nóng cháy da dường như vẫn còn đọng lại trong mỗi chúng ta. Để mỗi người cảm nhận chuyện thời tiết thay đổi không còn xa xôi nữa mà nó đã xảy ra thường xuyên hơn, bất thường hơn.

Thật ra thì thời tiết vốn dĩ luôn thay đổi từ lâu rồi. Nhưng vì chúng ta xa rời thiên nhiên quá lâu nên không còn cảm nhận được sự thay đổi đó.

Xa rời là vì chúng ta trốn trong những căn phòng kín bưng với máy lạnh chạy suốt ngày đêm nên đâu còn biết chuyện sáng lạnh, trưa nóng, chiều râm mát. Đâu còn bị ướt “như chuột lột” khi đi trên đường mà bị trời đổ mưa bất chợt. Đâu có cái cảm giác mát lạnh từ đầu đến chân khi ùm xuống sông vào giữa trưa hè vì lúc nào cũng phải tắm nước nóng!

Dân chăn trâu mà sáng ra thấy “tàn lan” (tơ nhện bay theo gió) đóng trắng trên đọt cỏ thì ngày đó nắng cháy da, nên khi thả trâu thì phải thủ thêm cái nón lá. Còn thấy mấy vũng trâu nằm mà bọt nổi lên sùng sục như nồi cơm sôi thì ngày đó mưa “thúi trời thúi đất” nên phải ngắt theo tàu lá chuối để che đầu và quấn cho áo quần không bị ướt.

Mỗi năm, khi ăn Tết xong thì ra ngoài ruộng “thăm” các hang cua đồng để đoán xem năm nay mưa sớm hay muộn. Nếu hang cua đầy ắp nước và thấy chú cua giật mình bò vào hang khi nghe tiếng chân của người đi tới, thì năm đó mùa mưa sẽ đến sớm. Còn thụt hết cánh tay vào hang mà không đụng con cua thì chuẩn bị tinh thần là năm đó hạn hán sẽ kéo dài, cần phải tính xem chuyện “dời đàn” (trâu) đến cánh đồng nào?

Chăn trâu ngán nhất là phải dời đàn trâu qua cánh đồng khác. Phần vì lạ chỗ, lũ trâu không chịu đi xa kiếm ăn nên chúng không ăn đủ no vào ban ngày. Vậy là ban đêm chúng dễ “bứt dây vàm” đi kiếm ăn nên người chăn không dám ngủ mê. Tệ nhất là lũ trâu đực lạ bầy nên dễ chém nhau và chuyện cản hai con vật nặng hàng tấn xông vào nhau như những chiếc xe tăng thì không phải ai cũng có đủ can đảm…

Nhưng chẳng lẽ muốn đoán chuyện mưa dầm hay nắng gắt thì ai cũng phải ra đồng chăn trâu mới biết? Người xưa cũng đã đúc kết chuyện mưa nắng trong ngày qua câu ca dao “chuồn chuồn bay thấp trời mưa, bao cao trời nắng, bay vừa trời quang”; ngay cả những bà nội trợ đi quơ củi trong vườn, nếu thấy tổ mối đóng thấp sát mặt đất thì biết năm đó mưa ít và hạn hán kéo dài, còn tổ mối đóng cao “với tay hỏng tới” thì năm đó mưa sớm và lũ lụt ắt sẽ xảy ra.

Người già khi thắp nhang cho bàn thờ ông Thiên thì xem cái hũ sành hứng nước mưa đầy hay lưng; ăn Tết xong mà hũ sành còn đầy vung nước thì năm đó mưa sớm nước ngập sâu, nên khuyên con cháu phải chọn giống lúa cao giàn cứng rạ. Còn hũ sành bị cạn nước thì phải tranh thủ các trận mưa cuối mùa mà hứng cho đầy mấy cái lu đựng nước mưa để có đủ nước uống cho cả gia đình qua cơn hạn hán.

Ngay cả những cư dân sống trong thành phố đông đúc hay các em học sinh khi sau Tết đi học lại mà thấy mấy cây sao dầu trồng hai bên đường hay trong sân trường không ra bông hay bông ra rất ít thì biết là năm nay mùa hè đến sớm và nắng nóng sẽ kéo dài. Còn năm nào thấy chúng mang trái non đầy cành thì những tuần cuối học kỳ phải thủ theo cái áo mưa trong cặp vì mùa mưa sẽ đến sớm.

Nhưng quan trọng hơn là những quan sát đó luôn luôn được cả cộng đồng từ người già, phụ nữ, thanh niên, đến đứa trẻ chăn trâu, chăn vịt cùng đem ra so sánh, tranh luận trong những dịp giỗ cưới hay hội hè. Để rồi chúng được ghi nhận, kiểm chứng, đúc kết và dần dà trở thành vốn tri thức bản địa của cộng đồng nơi đó.

Hóa ra giá trị của tri thức bản địa trong việc tiên đoán nắng mưa không phải là nó chính xác tới đâu, mà chính là chất keo để kết dính giữa các cá nhân trong một cộng đồng, là sợi dây ràng buộc giữa con người với thiên nhiên, để thiên nhiên không bị lãng quên và luôn luôn hiện hữu trong mỗi con người.

Vì vậy, tri thức bản địa luôn luôn được bổ sung bằng những “bằng chứng” mới, được nhiều người công nhận hơn và dần dà quên đi những thứ mà mọi người không ai còn nhắc đến nữa. Chính vì điều này mà tri thức bản địa không bao giờ là thứ bị lỗi thời!

Dương Văn Ni

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tri-thuc-ban-dia-khong-bao-gio-la-loi-thoi/