Trí thức giả
55 trường hợp sử dụng bằng ngôn ngữ Anh (văn bằng 2) do trường ĐH Đông Đô cấp để làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ (trong số này có cả quan chức) làm dư luận dậy sóng.
Lò ấp tiến sĩ đã từng khiến dư luận sốc khi biết có những giáo sư một mình tham gia hướng dẫn gần 50 nghiên cứu sinh; một năm cho ra lò hàng chục tiến sĩ.
Những trí thức “giả cầy” không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT thắt chặt đầu vào, đầu ra đào tạo tiến sĩ. Điều kiện cần để đạt chuẩn đầu vào là trình độ tiếng Anh phải ở mức B1 (khung tham chiếu châu Âu), đầu ra chuẩn phải đạt B2. Để đạt được chuẩn đầu vào cũng như đạt được chuẩn đầu ra đối với những người đã có tuổi không phải dễ. Trình độ B2 muốn đạt được, người học phải có năng lực ngoại ngữ tương đương với cử nhân, tức phải học ít nhất 4 năm chuyên ngành ngoại ngữ. Nhưng mọi chính sách đều có kẽ hở. Thay vì “dập mặt” đi học, đi thi đạt được chứng chỉ ngoại ngữ như yêu cầu, tấm bằng cử nhân tiếng Anh chính là “kim bài miễn tử” đối với các nghiên cứu sinh và họ bằng mọi cách để có được tấm bằng của ĐH Đông Đô.
Nhưng nguy hiểm hơn, có những người bằng thật nhưng tri thức lại giả. Đó là những tấm bằng có vỏ mà không có ruột. Những người trong nghề nhìn qua cũng phát hiện ra, nhưng nhiều khi xập xí xập ngầu chấp nhận để rồi sau này cho ra lò những tiến sĩ trình độ tiếng Anh đạt đến B2 nhưng lại không nói nổi câu giao tiếp đơn giản nhất. Theo phép suy diễn, trí thức giả sẽ đẻ ra … các giá trị giả. Kết quả là hệ giá trị và chuẩn mực xã hội méo mó. “Lộng giả thành chân”. Nếu quả thực trong xã hội ta đang lộng giả “tiến sĩ (giấy)”, thì nghĩa là chúng ta đang phải chứng kiến những giá trị thực, những gì thiêng liêng nhất đang bị bầm dập nghiêm trọng.
Trong hai cái nạn của giáo dục và đào tạo, bằng giả kiến thức thật và bằng thật kiến thức giả, cái nào gây hại nhiều hơn cho xã hội? Câu hỏi này thật không khó trả lời. Nguyên nhân có tình trạng mua bằng giả là do từ hai phía. Một phía là từ cán bộ mua bằng giả để nộp vào hồ sơ đi làm rồi thăng quan tiến chức. Thứ hai là nơi tiếp nhận cán bộ cũng có những hành vi nhập nhèm, không minh bạch nên mới chấp nhận để lọt những cán bộ như vậy. Đáng buồn là đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ với động cơ xấu. Càng ở vị trí quan trọng họ càng gây nguy hiểm cho cơ quan, cho cộng đồng. Một thực trạng đáng buồn khác là tâm lý xã hội “nặng” về bằng cấp hơn là để thu nạp kiến thức. Đạo đức xã hội đang xuống cấp do bị ảnh hưởng bởi thương mại hóa giáo dục và đào tạo.
Năm 2018, dư luận phẫn nộ với việc gian lận thi cử tại ba địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, đòi công khai danh tính những học sinh được nâng điểm, dù các em chỉ là nạn nhân của người lớn. Với những trí thức giả, đến lúc cần đưa họ ra ánh sáng.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/tri-thuc-gia-1755851.tpo