Tri thức hóa nông dân để nông nghiệp chuyên nghiệp, nông thôn hiện đại

Tri thức hóa nông dân là xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, đổi mới sáng tạo; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến. Điều này góp phần nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người nông dân theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19) cũng như quyết định sự thành công của nghị quyết.

Hỗ trợ để trang bị thêm kiến thức cho người nông dân

Nghị quyết 19 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò "làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn" của nông dân và dân cư nông thôn.

Để cụ thể, hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đang xây dựng dự thảo đề án về tri thức hóa nông dân; Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân…

Bàn về sự cần thiết của việc tri thức hóa nông dân, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay: Phải đặt vấn đề tri thức hóa nông dân trong lúc này là bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm.

Hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự “khan hiếm” lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Điều này làm sâu thêm những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn vốn hạn chế hơn.

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Nguyên Phương

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Nguyên Phương

Bên cạnh đó, thu nhập người dân nông thôn thấp, bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm, bằng chưa đầy 70% trung bình cả nước (khoảng 58 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nông nghiệp còn thấp so với tổng lao động nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 24%, trong đó có 4,6% có bằng cấp chứng chỉ. Giai đoạn 2010 - 2020, thực hiện Đề án 1956, đào tạo nghề nông nghiệp được 2,84/3 triệu lao động nông thôn (đạt 94,67% kế hoạch đề ra). Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Vì thế, chất lượng lao động chuyển đổi chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới.

Ông Thịnh nhấn mạnh, nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đây là lý do khiến chúng ta phải hỗ trợ để trang bị thêm kiến thức cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, những người sản xuất nông nghiệp phải cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn. Tri thức hóa người nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh, thương mại nông sản và các vấn đề kinh tế - xã hội.

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng nêu ra các giải pháp đẩy mạnh "tri thức hóa nông dân" là: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trí thức hóa nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân; phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau; xây dựng một số mô hình "sáng tạo đổi mới" trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân; nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân…

Hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp chuyên nghiệp

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 7 với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, chúng ta còn nhiều việc phải làm do chuyên nghiệp hóa hay tri thức hóa nông dân là một hành trình không có đích đến, không có điểm dừng vì tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có nông dân chuyên nghiệp, muốn có nông dân chuyên nghiệp thì phải tri thức hóa nông dân.

Số hộ là tỷ phú nông dân tăng gấp đôi trong 5 năm

Trong giai đoạn 2017 - 2022, chất lượng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô lớn. Số hộ nông dân giỏi có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2012 - 2017.

“Tri thức hóa nông dân là gì? Đó là sự hiểu biết, đơn giản vậy thôi. Nông dân có hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, không gian lớn hơn không chỉ ngoài làng xã, mà ra toàn cầu. Đó là điều mà hàng ngày chúng ta có thể làm được, chứ không phải là cái gì to tát. Như Bác Hồ đã nói, học tập là học mãi, học suốt đời… Chúng ta có trách nhiệm giúp người nông dân tri thức hóa, chuyên nghiệp lên. Chúng ta sinh ra từ bờ tre gốc rạ, sinh ra từ nông thôn nên phải hiểu rằng người nông dân còn rất nhiều việc phải làm hàng ngày. Từ những bước đi đầu tiên, việc làm nhỏ, sẽ giúp nông dân dần dần tiếp cận số hóa, công nghiệp 4.0” - ông Lê Minh Hoan nói.

Theo vị tư lệnh ngành Nông nghiệp, tiền trong túi là tiền hữu hạn, còn tiền trong đầu mới là vô hạn. Tri thức chính là tinh hoa, hấp thu hiểu biết để đề phòng rủi ro và kết nối lẫn nhau. Tri thức hóa người nông dân chính là phải sẵn lòng chuyên nghiệp hóa chính mình.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng chia sẻ, điều kiện cần để thực hiện tri thức hóa nông dân là vai trò kiến tạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Về phía hiệp hội, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, thời gian tới Hội Nông dân Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập; đào tạo người nông dân thành người chuyên nghiệp; tăng cường liên kết hợp tác, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các địa bàn; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tri-thuc-hoa-nong-dan-de-nong-nghiep-chuyen-nghiep-nong-thon-hien-dai-112682.html