Trí thức trẻ Việt Nam nỗ lực cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI không chỉ là nơi trao đổi tư tưởng, mà còn là cầu nối giữa trí thức - chính sách - thị trường, góp phần đưa các sáng kiến, tri thức và hàm lượng chất xám của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam vào trực tiếp dòng chảy phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam thông tin về Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI. (Ảnh: Nguyễn Hải)
Sáng nay (14/7), Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Đại học VinUni tổ chức họp báo Diễn đàn Trí thực trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI với chủ đề "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Diễn đàn là hoạt động thiết thực triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là Diễn đàn thường niên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2018. Qua 5 kỳ diễn đàn, đã có sự tham gia của hơn 1000 trí thức trẻ trong và ngoài nước đóng góp vào các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển tài năng trẻ Việt Nam.
Diễn đàn tạo kênh trao đổi giữa trí thức trẻ trong và ngoài nước để thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Đồng thời, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, thảo luận và đề xuất các cơ chế thu hút, phát huy nhân tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.

Anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam và GS. Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Diễn đàn trao đổi thông tin về nội dung của Diễn đàn. (Ảnh: Phi Khanh)
Qua các năm tổ chức, Trung ương Đoàn đã thành lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu có cơ chế hoạt động, trao đổi thường xuyên của hơn 2.000 trí thức trẻ trên toàn thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam khẳng định, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là hoạt động thiết thực, cụ thể hóa các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị gần đây như Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hay Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định vai trò tiên phong của nguồn nhân lực trí thức trẻ trong hành trình đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Theo anh Lâm, Diễn đàn năm nay có nhiều điểm đổi mới cả về nội dung, hình thức lẫn cách tiếp cận. Bên cạnh việc kế thừa tinh thần học thuật nghiêm túc và kết nối xuyên suốt của các kỳ trước, chương trình năm nay chú trọng hơn đến việc kết nối trí thức trẻ với thực tiễn phát triển quốc gia, thông qua các hoạt động mang tính trải nghiệm thực tế, đối thoại chuyên sâu với các tập đoàn, mô hình công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam.
"Đội ngũ đại biểu năm nay có cơ cấu đa dạng, kết hợp hài hòa giữa các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và lớp trí thức trẻ năng động, đang theo đuổi nghiên cứu tại các cơ sở khoa học hàng đầu thế giới. Đây là nguồn lực quý báu, có khả năng đóng góp trực tiếp vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách quốc gia, phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển đất nước”, anh Lâm cho hay.
Chủ đề thảo luận cũng được thiết kế tập trung hơn vào các nhóm vấn đề đang nổi lên mang tính chất toàn cầu, đòi hỏi sự góp sức từ chính đội ngũ trí thức trẻ – những người đang ở tuyến đầu của đổi mới, nghiên cứu và kiến tạo tương lai. Đặc biệt, các phiên đối thoại không chỉ mang tính lý luận mà còn tập trung hướng tới các khuyến nghị chính sách thực chất, có thể chuyển hóa thành hành động cụ thể sau Diễn đàn.
Anh Lâm nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng, những đổi mới này sẽ giúp Diễn đàn không chỉ là nơi trao đổi tư tưởng, mà còn là cầu nối giữa trí thức - chính sách - thị trường, góp phần đưa các sáng kiến, tri thức và hàm lượng chất xám của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam vào trực tiếp dòng chảy phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.
Được biết, sau diễn đàn, các sáng kiến, giải pháp đột phát của trí thức trẻ sẽ được tổng hợp thành Báo cáo khuyến nghị của cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu để gửi tới các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ công bố Báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045; Cơ sở dữ liệu Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; Kỷ yếu diễn đàn.
Năm nay, Diễn đàn được tổ chức từ ngày 19 đến 21/7 tại tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội) với 201 đại biểu chính thức, hơn 300 đại biểu dự thính và khách mời tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến. Ban tổ chức cũng mời 15 nhà khoa học uy tín cao tham gia Hội đồng tư vấn.
Trong số các đại biểu chính thức, hơn 90% được đào tạo ở nước ngoài, 62 đại biểu hiện đang công tác tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 1 Giáo sư, 31 Phó giáo sư và trợ lý giáo sư, 150 Tiến sĩ, 19 Thạc sĩ/Nghiên cứu sinh đến từ các lĩnh vực mũi nhọn như: Vật lý hạt nhân, động cơ tên lửa, thuật toán AI, công nghệ thông tin, công nghệ y tế, khoa học vật liệu, chuyển đổi số, kỹ thuật xây dựng, khoa học dữ liệu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, y tế - sức khỏe, môi trường - phát triển bền vững, giáo dục, xã hội...
Tại Diễn đàn, ngoài chủ đề chung, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung cụ thể: Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động; Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững; Thích ứng bền vững trước các thách thức của thời đại biến đổi toàn cầu; Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới.
Trong 3 ngày diễn ra Diễn đàn, bên cạnh các phiên thảo luận, các đại biểu dự kiến sẽ tham quan Nhà máy Vinfast Hải Phòng, tìm hiểu hệ sinh thái Vingroup và công ty kỳ lân Xanh SM; thảo luận về hệ sinh thái tài chính xanh của Sacombank; tham dự Tọa đàm về an ninh dữ liệu và tiếp kiến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hướng tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Ban điều hành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức 5 tọa đàm, hội thảo của 4 nhóm nội dung, thu hút hơn 1.000 trí thức trẻ và sinh viên nghiên cứu khoa học đăng ký tham dự, với 32 bài trình bày từ diễn giả là đại biểu và ban cố vấn diễn đàn.