Hà Nội sắp cấm xe máy xăng trong vành đai 1: Cần gì, được gì?

Hạn chế phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch tại khu vực vùng lõi đô thị Hà Nội để bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu, nhưng thực tế hạ tầng giao thông đô thị Việt Nam còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh như tàu điện, metro, xe điện mini... để phục vụ việc đi lại và sinh kế hàng ngày của người dân.

Vài năm gần đây, có nhiều thời điểm Hà Nội liên tục đứng số 1 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Ngay thời điểm viết bài trưa 14/7, PV Tiền Phong ghi nhận số liệu về chất lượng không khí AQI của Thủ đô Hà Nội ở mức 170 và đứng thứ 3 thế giới, tập trung ở khu vực các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Đống Đa...

Các chuyên gia môi trường và sức khỏe nhận định, khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu tại các khu vực đô thị đông dân cư. Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, ước tính Hà Nội hiện có trên 9 triệu phương tiện, trong đó hơn 7 triệu xe máy, tạo áp lực lớn cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị.

 Chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức 170 và đứng thứ 3 thế giới lúc 11h ngày 14/7. Ảnh: Chụp màn hình.

Chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức 170 và đứng thứ 3 thế giới lúc 11h ngày 14/7. Ảnh: Chụp màn hình.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường Thủ đô, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 20, yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, việc chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện được xem là giải pháp cốt lõi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nội đô. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, nhất là yêu cầu về cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Nguyên nhân là do các chủ xe chủ yếu sạc xe tại nhà, bài toán đặt ra là cần phải có giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và giải quyết được vấn đề quá tải nguồn điện, nhất là tại các khu vực chung cư.

 Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Ảnh: Duy Thông.

Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Ảnh: Duy Thông.

Ông Nguyễn Văn Quyền - nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - nêu quan điểm, nếu loại bỏ xe máy xăng sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm tiếng ồn đô thị, nhưng cần có phương tiện thay thế xe máy xăng. Ông Quyền đề xuất thành phố nên ưu tiên tăng tần suất, mở rộng mạng lưới xe buýt xanh.

Theo ông Quyền, Hà Nội có thể tính đến việc bổ sung các loại phương tiện linh hoạt như xe điện mini 10-12 chỗ, có thể vận hành trong những khu vực như ngõ hẹp, phục vụ chặng ngắn để trung chuyển người dân đến các trạm xe buýt, tàu điện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy dự báo, đến năm 2050 xe máy xăng vẫn hoạt động tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng số lượng sẽ giảm đi 30-40%, vì người dân chuyển sang đi ô tô và sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.

Nếu muốn giảm bớt số lượng xe xăng tại nội đô, chuyên gia Xuân Thủy cho rằng Hà Nội cần phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh như tàu điện, metro, xe buýt điện... để phục vụ việc đi lại và sinh kế hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, các ga metro cần được quy hoạch vị trí phù hợp, thuận tiện kết nối với khu dân cư, trường học, chợ dân sinh... để hành trình di chuyển của người dân được thuận tiện và không bị gián đoạn.

 Nếu muốn giảm bớt số lượng xe xăng tại nội đô, Hà Nội cần phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh như tàu điện, metro, xe buýt điện... Ảnh: Đức Nguyễn.

Nếu muốn giảm bớt số lượng xe xăng tại nội đô, Hà Nội cần phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh như tàu điện, metro, xe buýt điện... Ảnh: Đức Nguyễn.

"Hạn chế và kiểm định khí thải xe máy là chủ trương đúng và vô cùng cần thiết, nhưng đối với những xe máy cà tàng và quá cũ nát mà chủ xe khó khăn thì Nhà nước hay UBND TP. Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ họ chuyển đổi phương tiện thân thiện với môi trường hơn", chuyên gia Xuân Thủy nói.

Các chuyên gia giao thông bày tỏ, việc hạn chế phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch tại khu vực vùng lõi đô thị để giảm phát thải khí thải, bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu; cần sự kết hợp toàn diện giữa chính sách, cơ sở hạ tầng và ý thức của người dân. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi giao thông xanh này cần theo hướng hài hòa và đồng hành cùng quyền lợi người dân.

Phạm vi và quy mô của vành đai 1 là tuyến đường bao quanh trung tâm lịch sử của Hà Nội, dài khoảng 15 km, đi qua các tuyến đường: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.

Lộc Liên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-sap-dung-xe-may-xang-trong-vanh-dai-1-can-gi-duoc-gi-post1759939.tpo