Tri Tôn tập trung vào tăng trưởng nông nghiệp
Huyện Tri Tôn (An Giang) đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, chỉ số tăng trưởng (GO) ngành nông nghiệp của huyện bằng mức bình quân chung của tỉnh. Với lợi thế diện tích đất rộng, nhiều dự án nông nghiệp lớn đã, đang và chuẩn bị đầu tư, Tri Tôn có cơ hội bứt phá đi lên từ nông nghiệp kết hợp du lịch.
Khai thác thế mạnh
Trong khi nhiều địa phương gần như “đội trần” về diện tích sản xuất thì Tri Tôn vẫn có điều kiện mở rộng thêm. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, 9 tháng của năm 2020, tổng diện tích xuống giống trên địa bàn huyện đạt 118.161,7ha, tăng 4,47% so cùng kỳ 2019 (tăng 5.057ha). Trong đó, cây lúa giành thắng lợi toàn diện khi tăng cả diện tích xuống giống (đạt 114.692,7ha, tăng 5.779ha), sản lượng (đạt 694.215 tấn, tăng 70.814 tấn), giá bán vụ đông xuân và hè thu duy trì ở mức khá cao.
Đối với vụ thu đông 2020, nông dân Tri Tôn tận dụng lợi thế lũ nhỏ, giá bán lúa đang ở mức cao, tập trung xuống giống được 33.893ha (tăng 10.800ha so kế hoạch), là địa phương có diện tích xuống giống lớn thứ 2 của tỉnh, chỉ sau Thoại Sơn (37.328ha). Hiện nay, những trà lúa sớm đang thu hoạch, tuy gặp khó khăn do mưa nhiều nhưng bù lại, giá bán đạt cao nhất trong nhiều năm qua. Ngay cả giống lúa IR50404, giá lúa tươi mua tại ruộng đã vượt mốc 6.000 đồng/kg.
Tri Tôn phát huy lợi thế nông nghiệp
Theo ông Cường, không chỉ mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ở những vùng có điều kiện mà Tri Tôn còn chú trọng đa dạng hóa các hình thức sản xuất - kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời thực hiện tốt chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất và thu hoạch.
Đối với những vùng trồng lúa hiệu quả thấp, ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang rau màu, dược liệu, cây ăn trái. Dựa trên dự án phát triển bền vững cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, huyện Tri Tôn đã quy hoạch những vùng trồng cây ăn trái tiềm năng.
Trong đó đẩy mạnh phát triển mô hình chuối cấy mô với diện tích 2.000ha (Vĩnh Phước, Tân Tuyến); cây có múi, xoài phục vụ xuất khẩu 3.000ha (vùng đất ven chân núi khu vực Bến Bà Chi, sau hồ Ô Lâm, Lương Phi, Ba Chúc...); vùng trồng nhãn (Tân Tuyến); vùng dược liệu 300ha (nhàu, tần dày lá, đinh lăng, nghệ...) ở khu vực ven chân núi gắn với các doanh nghiệp xuất khẩu và phục vụ du lịch. Huyện đang hình thành vùng chuyên canh rau màu ở khu vực trạm bơm An Bình - Núi Nước (Ba Chúc), khu vực cầu 16 (thị trấn Tri Tôn); xây dựng mô hình lúa - màu ở khu vực trạm bơm Lương Phi, Châu Lăng, Ô Lâm, Lê Trì và Lạc Quới (vùng Bến Bàng), vùng bờ Bắc kênh Vĩnh Tế...
Thu hút doanh nghiệp lớn
Cùng với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, lãnh đạo huyện Tri Tôn đã vào cuộc quyết liệt để Tập đoàn TH có thể thuận lợi triển khai dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao quy mô 10.000 con tại xã Vĩnh Gia. Dự án sắp sửa khởi công (dự kiến trong tháng 11-2020) là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tri Tôn. Đây là một trong những dự án được kỳ vọng giúp ngành nông nghiệp Tri Tôn tăng tốc phát triển.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, dự án bò sữa của Tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Cùng với phát triển đàn bò sữa quy mô lớn, dự án còn giúp phát triển vùng trồng cỏ, cây thức ăn cho bò khoảng 3.000ha tại các xã: Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Lạc Quới, Lương An Trà. Qua đó, khuyến khích nông dân trồng cỏ, trồng cây làm thức ăn chăn nuôi gia súc trên các vùng đất lúa kém hiệu quả.
“Cùng với khởi công dự án của Tập đoàn TH, dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long với vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng trên địa bàn xã Lương An Trà cũng sắp hoàn thành. Đây là nhà máy chế biến gạo áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện. Công ty Cổ phần Nam Việt đang nghiên cứu triển khai dự án nuôi cá kết hợp khai thác điện năng lượng mặt trời quy mô 519ha ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Đây là những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện” - ông Liêm nhấn mạnh.
Đối với diện tích đất ruộng trên ven chân núi, lâu nay nông dân Khmer canh tác chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên, chỉ làm 1-2 vụ/năm nên hiệu quả không cao, đời sống còn khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành, huyện Tri Tôn đã quy hoạch diện tích 3.000ha để trồng cây cao lương sinh khối (Biomass Sorghum), phục vụ nhà máy nhiệt điện. Phần lớn diện tích quy hoạch là đất ruộng trên, được kỳ vọng vừa giúp tăng giá trị sản xuất, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác diện tích sản xuất vùng cao, Tri Tôn đang đầu tư khai thác các hồ chứa nước ven chân núi như: Ô Thum, Soài Chek, Soài So, Ô Tà Sóc. Đồng thời, phối hợp các Sở, ngành triển khai thực hiện 3 hồ chứa giai đoạn 2 (Núi Dài 2, Cô Tô, Đắk Lây), hệ thống tưới tiết kiệm nước ở khu vực hồ Soài Chek và Ô Thum theo kế hoạch của tỉnh.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tri-ton-tap-trung-vao-tang-truong-nong-nghiep-a287856.html