Tri Tôn thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển

Lợi thế quỹ đất rộng cùng thiện ý kêu gọi đầu tư đã đưa Tri Tôn trở thành một trong những vùng đất hấp dẫn thu hút doanh nghiệp (DN). Những dự án có vốn đầu tư từ vài tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng trải khắp địa bàn huyện sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Vùng đất hấp dẫn

Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, nhiều DN lớn đã chủ động tìm đến huyện Tri Tôn để nghiên cứu triển khai các dự án với quyết tâm cao. Đáp lại, lãnh đạo huyện nhiệt tình đón tiếp, chỉ đạo các ban, ngành quyết liệt hỗ trợ theo yêu cầu của nhà đầu tư. Đối với Tập đoàn TH True Milk, để hỗ trợ DN đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô 900ha, huyện đã hỗ trợ tạo được quỹ đất 178ha “mồi” ban đầu, đồng thời tranh thủ sự hướng dẫn của các sở, ngành giúp DN hoàn tất các thủ tục đầu tư. Đối với Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Lư Gia, dự kiến đầu tư dự án cây ăn trái, dược liệu, bò thịt, gà công nghệ cao kết hợp chiết xuất tinh dầu với tổng vốn đầu tư hơn 2.562,4 tỷ đồng, quy mô 500ha, hiện đang triển khai thực hiện theo tiến độ.

Thu hoạch chuối cấy mô ở trang trại của Công ty TNHH MTV SD

Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tri Tôn Trang Phước Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã mời gọi được Công ty TNHH MTV Lộc Ngọc Xuân II và Công ty TNHH MTV Lộc Ngọc Xuân III đầu tư 2 trang trại chăn nuôi cá sấu và đà điểu công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Mỗi dự án có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, quy mô từ 16,3-17,6ha, đang xúc tiến tạo quỹ đất. Đối với Công ty Cổ phần Gạo Hạnh Phúc, dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, quy mô 16ha, hiện đang triển khai thực hiện theo tiến độ. Cũng trong năm nay, huyện đã mời gọi được Công ty TNHH MTV SX-TM-DV An Dy đầu tư sản xuất, nhân và lai tạo giống nấm Đông Trùng Hạ Thảo với quy mô 2.000m2, vốn đầu tư 6 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn làm việc với HD Group và Trường Đại học Hoa Sen để lắng nghe ý kiến đóng góp về phát triển du lịch của huyện thời gian tới.

Phát huy hiệu quả

Từ nỗ lực mời gọi, thu hút đầu tư, nhiều dự án đã triển khai trên địa bàn huyện Tri Tôn như tạo ra luồng gió mới cho địa phương vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Trong bối cảnh bệnh dịch tả heo Châu Phi lan rộng, 2 trang trại của Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Thắng đầu tư trên địa bàn huyện Tri Tôn vẫn được bảo vệ an toàn. Trong đó, trang trại tại xã Lương Phi với tổng vốn đầu tư 195 tỷ đồng, quy mô 10ha, sản xuất 42.000 con/năm sẽ là nơi cung cấp nguồn heo thịt an toàn khi tổng đàn heo đang giảm. Còn với trang trại tại xã Lương An Trà (tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng, quy mô 12,6ha, sản xuất 39.200 con/năm) sẽ là nguồn cung cấp heo giống quan trọng, đảm bảo chất lượng cho An Giang cũng như các tỉnh xung quanh tái đàn heo.

Trên các vùng đất phèn trước đây của huyện Tri Tôn, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả đang được thay thế bằng những vườn chuối cấy mô rộng lớn. Trong đó, Công ty TNHH Chế biến nông sản Vĩnh Phát đầu tư 127 tỷ đồng cho dự án sản xuất - chế biến chuối cấy mô tại xã Vĩnh Phước với quy mô 400ha. Thấy được tiềm năng của loại cây trồng này, Giám đốc Công ty TNHH MTV SD Nguyễn Lợi Đức quyết định đầu tư 150 tỷ đồng vào trang trại chăn nuôi bò kết hợp trồng chuối cấy mô với diện tích 71,1ha ở xã Vĩnh Gia. Kế bên đó, Công ty TNHH TM-DV XNK Hoàng Vĩnh Gia cũng đầu tư 84,6 tỷ đồng vào trang trại chăn nuôi heo và trồng chuối cấy mô với diện tích 178,4ha, cung ứng 12.000 con heo/năm cho Tập đoàn CP. Tại xã Tân Tuyến, Công ty TNHH XNK Nông sản Xanh Việt đầu tư dự án trồng chuối cấy mô với diện tích gần 100ha, tổng vốn 82,4 tỷ đồng.

Ông Hòa cho biết, trong lĩnh vực chế biến nông sản, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú đã đầu tư kho chứa, nhà máy xay xát - chế biến lúa, gạo với tổng vốn 142,9 tỷ đồng, quy mô 56.480m2, sản xuất 62.720 tấn/năm. Trong khi đó, Xí nghiệp Lương thực huyện Tri Tôn quyết định đầu tư kho chứa, nhà máy xay xát - chế biến lúa, gạo với tổng vốn 65 tỷ đồng, sản xuất 62.720 tấn/năm và kho chứa 10.000 tấn/năm. Đối với Công ty TNHH TM-DV Sản xuất lúa giống Hai Thụ, dự án Nhà máy sản xuất lúa giống Hai Thụ có quy mô 1ha, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, góp phần cung ứng 6.000 tấn lúa giống/năm cho nông dân trồng lúa. Đóng trên địa bàn xã Lương An Trà, khu vực gần giáp ranh tỉnh Kiên Giang, tận dụng nguồn nguyên liệu cá dồi dào, Công ty TNHH TM-DV Hải Thuận An Giang đã đầu tư 45 tỷ đồng cho nhà máy chế biến bột cá trên diện tích 1ha, sản lượng 15.000 tấn/năm. Trong khi đó, tận dụng lợi thế về dược liệu của Tri Tôn, Công ty Cổ phần SX-TM Hành Tinh Xanh quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tinh dầu trầm hương với tổng vốn 33 tỷ đồng, quy mô 2.454m2, sản lượng 20 lít/năm…

Trong nỗ lực xúc tiến, mời gọi đầu tư, Ban hỗ trợ DN huyện Tri Tôn đã được thành lập. Đơn vị này thường xuyên tiếp xúc với DN, nhà đầu tư để giới thiệu tiềm năng, lợi thế, các dự án mời gọi đầu tư. Đồng thời, trao đổi và lắng nghe ý kiến phản ánh của các DN để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tri-ton-thu-hut-dau-tu-tao-dong-luc-phat-trien-a258778.html