"Không ai bán cái bóng mờ nhạt của tương lai khéo léo hơn ngành công nghệ, điển hình chính là những thông tin tuyên truyền về trí tuệ nhân tạo (AI)", phóng viên Parmy Olson của tờ Bloomberg nhận xét.
Theo những thông tin đó, tất cả chúng ta sẽ sống trong "siêu vũ trụ", xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính của mình trên "web3" và cung cấp "trí tuệ nhân tạo" cho cuộc sống của chúng ta.
Cả 3 viễn cảnh trên bị nhận xét đều là ảo ảnh, đã giúp những người vận động hành lang của các dự án kiếm được hàng tỷ đô la, mặc dù thực tế phơi bày thẳng thắn những "trò gian lận" của họ.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo gợi lên khái niệm về những cỗ máy biết suy nghĩ. Nhưng rõ ràng không máy móc nào có thể suy nghĩ đúng nghĩa và không chương trình máy tính nào có thể thực sự thông minh.
Nhà báo Parmy Olson khẳng định cụm từ "trí tuệ nhân tạo" có thể là một trong những thuật ngữ tiếp thị thành công nhất mọi thời đại.
Trên thực tế, GPT-4 (nền tảng của ChatGPT) đơn giản là xuất ra từ một cơ sở dữ liệu có khoảng một nghìn tỷ từ.
Với một đội quân lập trình nó thông qua vá lỗi và chỉnh sửa sẽ cho ra mô hình AI kết hợp những từ vựng và tình huống dựa trên xác suất: "Rõ ràng điều này thậm chí còn không gần với trí thông minh", nhà báo Olson nhấn mạnh.
Các hệ thống đang được xem xét và những tổ hợp tương tự được xây dựng để tạo ra văn bản nghe có vẻ đáng tin cậy, chúng được doanh nghiệp công nghệ thông tin định vị là "tri thức tiên tri mới", có thể kết nối với các công cụ tìm kiếm.
Nhưng thật lạ lùng nếu ai đó tin tưởng vào GPT-4 - thứ luôn mắc lỗi. Chỉ vài tuần trước, dữ liệu từ Tập đoàn Microsoft và Google Alphabet đã bị tiết lộ, cho thấy rằng công cụ tìm kiếm đã sai về các sự kiện cụ thể.
Những thuật ngữ như "mạng lưới thần kinh" và "học sâu" là một "kỹ xảo" và chỉ củng cố ý tưởng rằng các chương trình này giống như con người, nhưng mạng lưới thần kinh không phải là bản sao của bộ não người.
Xã hội rất cần một bước đi khác, không thúc đẩy những "ý tưởng ma thuật" sai lầm cũng như giả khoa học về hệ thống máy tính và không giải phóng trách nhiệm của những người phát triển hệ thống này trên quy mô toàn cầu.
Theo đánh giá, chính những đối tượng này mới có thể là kẻ tấn công chứ không phải AI thần thoại, hay một loại trí thông minh nào đó bị khóa trong một mạch điện.
"Thật không may, nhiều người hiện đang lạm dụng hoặc thậm chí phô trương các thuật ngữ về AI để khiến mọi người bắt đầu mua công nghệ hoặc bắt đầu lắng tai nghe".
"Tuy nhiên trên thực tế, tất cả những công nghệ AI hiện nay chỉ là sự kết hợp lại các hình ảnh do con người tạo ra và không còn gì xa hơn nữa", nhà báo Parmy Olson kết luận.