Trí tuệ nhân tạo đã đi vào cuộc sống chúng ta ra sao trong 10 năm qua?
Từ một nền tảng công nghệ chỉ được 'đóng đinh' trong thế giới khoa học viễn tưởng, giờ đây, trí tuệ nhân tạo đã và đang thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Vào năm 2010, trí tuệ nhân tạo (AI) mới được nhắc tới như một nền tảng công nghệ chỉ có khả năng xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hơn là trong cuộc sống thực hàng ngày. Và đó chắc chắn không phải là điều mà mọi người lo lắng rằng công nghệ này sẽ lấy mất công việc của mình trong tương lai gần.
Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi kể từ đó. AI hiện được sử dụng cho tất cả mọi thứ từ giúp chúng ta chụp ảnh trên điện thoại thông minh tốt hơn và phân tích tính cách của chúng ta trong các cuộc phỏng vấn xin việc cho đến mua một chiếc bánh sandwich mà không phải trả tiền cho nhân viên thu ngân.
Nó cũng ngày càng trở nên phổ biến - và gây tranh cãi - khi được sử dụng để giám sát, chẳng hạn như phần mềm nhận dạng khuôn mặt và truyền bá thông tin sai lệch, như với các video deepfake cho thấy một người làm hoặc nói điều gì đó mà họ không làm trên thực tế.
Làm thế nào AI đến và xâm chiếm rất nhiều phần khác nhau trong cuộc sống của chúng ta trong thập kỷ qua? Câu trả lời nằm ở những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực này, kết hợp với việc AI ngày càng được tích hợp dễ dàng hơn, rẻ hơn vào các máy tính mạnh hơn.
Phần lớn AI mà chúng ta gặp thường xuyên là sử dụng một kỹ thuật được gọi với cái tên "học máy," đó là khi máy tính tự học bằng cách thu thập, tổng hợp và xử lý dữ liệu. Cụ thể hơn, những phát triển lớn trong thập kỷ qua tập trung vào một loại hình học máy, được gọi là "học sâu," được mô phỏng theo cách thức hoạt động của các tế bào thần kinh trong não.
Chẳng hạn, với việc học sâu, một máy tính có thể được giao nhiệm vụ xem hàng ngàn video về mèo để học cách xác định một con mèo trông như thế nào (và trên thực tế, đó là một vấn đề lớn khi Google tìm ra cách làm điều này vào năm 2012).
"Mười năm trước, học sâu không nằm trên radar của bất kỳ ai, và bây giờ nó có trong mọi thứ," Pedro Sebastos, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Washington, nói.
AI vẫn còn khá đơn giản. Chẳng hạn, một thuật toán học máy thường chỉ làm một việc và thường yêu cầu hàng núi dữ liệu để học cách làm tốt nó. "Rất nhiều công việc trong lĩnh vực AI tập trung vào việc làm cho các hệ thống máy học tốt hơn trong việc khái quát hóa và học hỏi từ ít ví dụ hơn," ông Sebastos nói.
"Chúng ta đã đi một ngàn dặm, nhưng trước mắt còn có một triệu dặm vẫn phải đi," ông nói.
Hãy nhìn lại cuộc hành trình 10 năm qua của AI với sáu trong số nhiều cách nó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta:
Điện thoại thông minh
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo có mặt trên tất cả các điện thoại thông minh, từ phần mềm nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại cho đến các ứng dụng phổ biến như Google Maps.
Càng ngày, các công ty như Apple và Google đang cố gắng chạy AI trực tiếp trên thiết bị cầm tay (với các chip đặc biệt giúp hỗ trợ khả năng điều khiển bằng AI), do đó, các hoạt động như nhận dạng giọng nói có thể được thực hiện trên điện thoại thay vì trên máy tính từ xa - để làm những việc như dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và bảo vệ sự riêng tư dữ liệu.
Một ví dụ nghe có vẻ đơn giản về điều này đã xuất hiện vào tháng 10, khi Google giới thiệu ứng dụng phiên âm có tên là Recorder. Nó có thể ghi lại và phiên âm, trong thời gian thực. Nó biết những gì bạn đang nói và xác định các âm thanh khác nhau như âm nhạc và tiếng vỗ tay; các bản ghi âm sau đó có thể được tìm kiếm bằng các từ riêng lẻ.
Ứng dụng này có thể chạy hoàn toàn trên điện thoại thông minh Google Pixel. Google cho biết điều này rất khó thực hiện vì nó yêu cầu một số phần AI phải hoạt động mà không làm giảm thời lượng pin của điện thoại hoặc chiếm quá nhiều bộ xử lý chính.
Mạng xã hội
Khi Facebook bắt đầu xuất hiện vào năm 2004, nó mới chỉ tập trung vào việc kết nối mọi người. Nhưng ngày nay, hoạt động này đã được trí tuệ nhân tạo trợ giúp rất nhiều. Nó trở thành cốt lõi đối với các sản phẩm của công ty mà một năm trước, nhà khoa học AI của Facebook, Yann LeCun, nói với CNN Business rằng nếu không tìm hiểu sâu thì mạng xã hội sẽ trở thành một "đống tro tàn."
Sau nhiều năm đầu tư, giờ đây việc học sâu đã củng cố mọi thứ từ các bài đăng và quảng cáo chúng thấy trên mạng xã hội cho đến cách bạn bè của chúng ta có thể được tự động gắn thẻ trong ảnh. Nó thậm chí có thể giúp loại bỏ nội dung như ngôn từ kích động thù địch khỏi mạng xã hội. Mặc dù vậy, nó vẫn còn một chặng đường dài để đi, đặc biệt là khi phát hiện ra bạo lực hoặc lời nói hận thù trực tuyến, đó là điều khó khăn cho các hệ thống máy móc để tìm ra.
Và Facebook không phải là người duy nhất; bên cạnh đó Twitter và các mạng xã hội khác cũng phụ thuộc rất nhiều vào AI.
Trợ lý ảo
Bất cứ khi nào chúng ta nói chuyện với Alexa của Amazon, Siri của Apple hoặc Assistant của Google, thì đó là một tương tác gần gũi và cá nhân với AI. Các trợ lý ảo ngày càng hiểu những gì chúng ta đang nói và (hy vọng) trả lời với những gì chúng ta muốn.
Sự gia tăng của các trợ lý ảo bắt đầu vào năm 2011, khi Apple phát hành Siri trên iPhone. Google tiếp nối với Google Now vào năm 2012 (một phiên bản mới hơn, Google Assistant, đã ra mắt vào năm 2016).
Từ xuất hiện trên điện thoại thông minh, đến nay, các trợ lý ảo đã được đưa đến các thiết bị loa thông minh. Trợ lý ảo Alexa của Amazon, được giới thiệu vào năm 2014 và được thể hiện qua một chiếc loa kết nối Internet có tên là Amazon Echo.
Loa thông minh đã khiến thị trường AI thực sự bùng nổ. Theo dữ liệu từ Canalys, chỉ trong quý 3 năm 2019, Amazon đã vận chuyển 10,4 triệu loa thông minh sử dụng Alexa, chiếm phần lớn nhất (gần 37%) của thị trường toàn cầu cho các thiết bị này.
Giám sát
Khi AI đã được cải tiến, thì nó có khả năng được sử dụng như là một công cụ giám sát. Một trong những điều gây tranh cãi nhất trong số này là công nghệ nhận dạng khuôn mặt, xác định mọi người từ video trực tiếp hoặc video ảnh tĩnh, bằng cách so sánh các đặc điểm khuôn mặt của mọi người với các cơ sở dữ liệu khuôn mặt. Nó được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau: tại các buổi hòa nhạc hay tại các sân bay.
Tuy nhiên, các hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã gây ra những lo ngại về quyền riêng tư và độ chính xác. Chẳng hạn, vào tháng 12, một nghiên cứu của chính phủ Mỹ đã tìm thấy sự thiên vị chủng tộc sâu rộng trong gần 200 thuật toán nhận dạng khuôn mặt, với các nhóm thiểu số có nhiều khả năng bị xác định nhầm nhiều hơn so với người da trắng.
Ở Mỹ, có rất ít quy tắc chi phối cách thức AI nói chung và nhận dạng khuôn mặt nói riêng, có thể được triển khai. Vì vậy, vào năm 2019, một số thành phố, bao gồm San Francisco và Oakland ở California và Somerville ở Massachusetts, đã cấm các phòng ban thành phố (bao gồm cả cảnh sát) sử dụng công nghệ này.
Chăm sóc sức khỏe
AI ngày càng được sử dụng nhiều để chẩn đoán và quản lý tất cả các loại vấn đề sức khỏe, từ phát hiện ung thư phổi đến theo dõi các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các vấn đề về đường tiêu hóa. Mặc dù phần lớn công việc này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc phát triển sớm, nhưng có những công ty khởi nghiệp - như Mindstrong Health, sử dụng một ứng dụng để đo lường tâm trạng ở những bệnh nhân đang đối phó với các vấn đề về sức khỏe tâm thần - đã thử hệ thống AI với mọi người.
Nghệ thuật
AI có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật? Và câu trả lời là có. Các tác phẩm âm nhạc, tranh vẽ và nhiều thứ khác do AI tạo ra có vẻ rất giống với những thứ mà con người nghĩ ra.
Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nghệ thuật do AI tạo ra đang trở nên phổ biến vào cuối năm 2018, khi một tác phẩm mờ ảo có tên "Edmond de Belamy" trở thành tác phẩm hội họa đầu tiên được sản xuất bởi một chiếc máy tính trí tuệ nhân tạo được bán đấu giá.
Bức tranh được tạo ra bằng kỹ thuật tiên tiến được gọi là Gans, bao gồm hai mạng thần kinh cạnh tranh với nhau để đưa ra một cái gì đó mới dựa trên bộ dữ liệu. Trong trường hợp này, bộ dữ liệu là một loạt các bức tranh hiện có, trong khi điều mới là tác phẩm nghệ thuật trên máy vi tính. Gans cũng đang trở nên phổ biến vì nó có thể được sử dụng để tạo ra các tác phẩm deepfake.