Trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện hơn 2.700 ca đau tim ở Ấn Độ

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng rộng rãi trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt liên quan đến việc chẩn đoán sớm các bệnh đe dọa đến tính mạng. Gần 2 năm qua, công cụ AI đã giúp phát hiện hơn 2.700 ca đau tim nghiêm trọng ở bang Maharashtra, Ấn Độ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) gần đây đã giúp phát hiện gần 3.000 ca đau tim ở Ấn Độ. (Ảnh minh họa: Indiatimes)

Trí tuệ nhân tạo (AI) gần đây đã giúp phát hiện gần 3.000 ca đau tim ở Ấn Độ. (Ảnh minh họa: Indiatimes)

Nhồi máu cơ tim cấp (STEMI) là cơn đau tim nguy hiểm đến tính mạng. STEMI hiện có thể được phát hiện bằng một công cụ chẩn đoán sử dụng AI đã được chính quyền bang Maharashtra cho phép để giảm số ca tử vong do đau tim - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở tiểu bang này.

Kể từ khi áp dụng AI vào chẩn đoán (tháng 2/2021) đến nay (tháng 11/2022), hơn 2.700 bệnh nhân bị đau tim nghiêm trọng đã được phát hiện. Trong số này, 70% bệnh nhân là nam giới.

STEMI khiến bệnh nhân mắc bệnh tim có nguy cơ biến chứng và tử vong cao hơn. Chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các tình huống nguy hiểm đến tính mạng.

Chính quyền bang Maharashtra đã tạo ra mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa”. Theo đó, họ liên kết 145 cơ sở y tế ở nông thôn, bệnh viện cấp xã và cấp huyện có máy điện tâm đồ.

Những cơ sở này được coi như những “nan hoa” kết nối với “trục bánh xe” là 38 trung tâm y tế cấp trên, được trang bị Phòng thông tim (Cathlab) hiện đại.

Cathlab là nơi thực hiện nhiều thủ thuật chẩn đoán và can thiệp tim mạch, đồng thời được trang bị các loại máy móc tối tân nhằm hỗ trợ tối đa cho bác sĩ trong quá trình làm việc. Tại đây, luôn có bác sĩ trực 24/24 để can thiệp cấp cứu kịp thời các trường hợp nhồi máu cơ tim.

Tiến sĩ Padmaja Jogewar, Giám đốc Khoa bệnh không lây nhiễm, thuộc Tổng cục Dịch vụ Y tế, nói với báo The Indian Express rằng, đối với mỗi ca bệnh, thời gian xử lý cho phép là 10 phút, nhưng “các bác sĩ thường phản ứng ngay trong vòng 4 phút”.

Khi bệnh nhân được đưa đến các cơ sở y tế cấp dưới, bác sĩ tại đó sẽ làm điện tâm đồ cho họ, sau đó gửi báo cáo kết quả lên mạng kết nối với các trung tâm cấp trên để xác định tình trạng của bệnh nhân.

Cách làm này đã giúp xác định 7.377 ca bệnh nguy kịch, trong số này, 2.722 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nghiêm trọng đã kịp thời được điều trị.

(theo The Indian Express)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tri-tue-nhan-tao-giup-phat-hien-hon-2700-ca-dau-tim-o-an-do-208005.html