Trí tuệ nhân tạo và bản quyền văn học, nghệ thuật
Khi một câu lệnh đơn giản có thể tạo ra một bức tranh, một bài thơ hay một đoạn nhạc, ranh giới giữa sáng tạo và sao chép trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để bảo vệ người sáng tạo trước làn sóng công nghệ đầy sức mạnh này?

Trí tuệ nhân tạo có thể mô phỏng một bức tranh, một vần thơ, một bản nhạc... nhưng sáng tạo chân chính là kết tinh của cảm xúc, trải nghiệm và khát vọng con người.
Nỗi lo bản quyền
Trí tuệ nhân tạo (AI) giờ đã trở thành một “nghệ sĩ mới” trong thế giới sáng tạo. Từ phần mềm vẽ tranh như Midjourney, DALL·E, đến các công cụ viết văn, làm thơ như ChatGPT, Claude hay Gemini, người dùng chỉ cần vài dòng mô tả là có thể thu được một “tác phẩm” trọn vẹn. Điều này mở ra những khả năng chưa từng có trong lịch sử sáng tạo, đồng thời đặt ra những vấn đề pháp lý và đạo đức.
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội nhận định, mặc dù còn nhiều tranh luận, không thể phủ nhận rằng AI đang trở thành một phần quan trọng trong văn học, nghệ thuật đương đại.
“Sự kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp văn nghệ sĩ có thêm công cụ để thể hiện ý tưởng của mình. Tuy rằng AI vẫn còn nhiều giới hạn, nhưng trong tương lai, khả năng của AI có thể tiến xa hơn rất nhanh. Các hệ thống Al có thể giúp các văn nghệ sĩ tạo ra các ý tưởng mới, tự động hóa các quy trình sáng tạo và thậm chí tạo ra những trải nghiệm nghệ thuật tương tác” - Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên nhận định.
Dù vậy, AI cũng đặt ra những thách thức về vấn đề bản quyền mà chúng ta cần thảo luận một cách thấu đáo. Khi AI có thể tạo ra những tác phẩm giống như con người, việc xác định quyền sở hữu tác phẩm trở thành một câu hỏi chưa có lời giải.
Điều này đặc biệt phức tạp trong lĩnh vực thơ ca và hội họa, nơi mà các tác phẩm có thể bị sao chép hoặc mô phỏng từ các tác phẩm có sẵn, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền mà không dễ dàng nhận diện. Nếu AI học hỏi từ các tác phẩm văn học, hội họa trước đó, và sau đó tạo ra một sản phẩm mới, liệu đó có phải là sự “sáng tạo” của AI hay là sự sao chép có sự can thiệp của con người?
Theo nhà thơ Lữ Mai, bản quyền là “hơi thở” của nền sáng tạo. Khi bản quyền bị xâm phạm, đồng nghĩa với việc sự tôn trọng đối với lao động trí tuệ bị xem nhẹ. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nếu không có cơ chế bảo vệ bản quyền hiệu quả, nghệ sĩ và nhà sáng tác sẽ dần mất động lực, thậm chí mất niềm tin. Hệ quả là một đời sống nghệ thuật thiếu chiều sâu, thiếu cá tính, và bị chi phối bởi sao chép, đạo nhái. Điều đó vừa gây tổn thất cho từng cá nhân, vừa là sự trì trệ, thiếu trung thực trong quá trình kiến tạo bản sắc và khát vọng phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc bảo vệ bản quyền trong thời đại AI trở nên khó khăn là bởi hệ thống pháp luật ở nhiều quốc gia, vẫn chưa có điều khoản rõ ràng liên quan đến sản phẩm do AI tạo ra. AI không có tư cách pháp nhân, nhưng người sử dụng AI cũng không thực sự “sáng tạo” theo nghĩa truyền thống. Vì vậy, việc xác định tác giả, quyền sở hữu và trách nhiệm pháp lý trở nên phức tạp.
Không chỉ các cá nhân mà ngay cả những nhà xuất bản, đơn vị sản xuất nội dung cũng đang loay hoay với câu hỏi: Liệu một tác phẩm văn học hay nghệ thuật do AI tạo ra có được xem là “hợp lệ” khi xuất bản, phát hành? Nếu có tranh chấp xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm pháp lý? Các câu hỏi này vẫn đang chờ được giải đáp bằng khung pháp lý rõ ràng hơn.
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên cho rằng, việc ứng dụng AI trong sáng tạo văn học, nghệ thuật đã mang đến những thay đổi quan trọng, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Những vấn đề này không chỉ liên quan đến khía cạnh công nghệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến đạo đức nghề nghiệp, bản quyền, sự sáng tạo của nghệ sĩ, cũng như khả năng phản ánh văn hóa, xã hội trong các tác phẩm.
“Ngoài vấn đề bản quyền, đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật với AI cũng cần được xem xét. Việc sử dụng AI để tạo ra nội dung có thể dẫn đến nguy cơ thao túng thông tin, tạo ra những tác phẩm không phản ánh đúng thực tế xã hội. Điều này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ phía văn nghệ sĩ, nhà sản xuất nội dung cũng như các cơ quan quản lý” - ông Kiên bày tỏ.
Giữ hồn sáng tác trước làn sóng AI
AI có thể mô phỏng một bức tranh, một vần thơ, một bản nhạc... nhưng sáng tạo chân chính không chỉ đến từ thuật toán, mà là kết tinh của cảm xúc, trải nghiệm và khát vọng con người. Trong quá khứ, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang dấu ấn riêng biệt của người làm ra nó. Còn nay, khi những công cụ số có thể “học” từ hàng triệu dữ liệu và tái tổ hợp thành một sản phẩm mới, điều gì sẽ xảy ra với khái niệm “chất riêng”?
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, công nghệ AI có thể mang lại nhiều tiện ích nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người trong sáng tác. Cảm xúc, trải nghiệm và tâm hồn vẫn là những yếu tố không thể thiếu để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Chính vì vậy, thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào AI, những người làm nhạc cần biết cách tận dụng công nghệ một cách thông minh, kết hợp nó với khả năng sáng tạo của bản thân để tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Còn theo nhà thơ Lữ Mai, để bảo vệ bản quyền một cách thực chất, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ pháp luật, công nghệ và nhận thức xã hội. Trước hết, hệ thống pháp lý cần chặt chẽ, rõ ràng và có chế tài đủ sức răn đe. Song song, công nghệ số hoàn toàn có thể được ứng dụng để truy vết, xác thực quyền sở hữu tác phẩm. Nhưng điều quan trọng nhất, vẫn là xây dựng văn hóa tôn trọng sáng tạo. Khi người tiêu dùng văn hóa biết trân quý tác phẩm gốc, biết đặt mình vào vị trí người sáng tác thì đó mới là nền tảng bền vững nhất để bảo vệ bản quyền vừa bằng hệ thống pháp luật, vừa bằng lòng tự trọng và trách nhiệm xã hội.