Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật
Sáng 14/5, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo trọng điểm 'Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật'.
Trí tuệ nhân tạo và những thách thức cần được giải quyết
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có sự phát triển của một trong những công nghệ lõi là công nghệ trí tuệ nhân tạo (thường được gọi tắt là AI). Trí tuệ nhân tạo đã được biết đến từ những thập niên 1950, nhưng thực sự phát triển mới chỉ hơn 10 năm trở lại đây với những nền tảng như công nghệ internet, lưu trữ đám mây, tốc độ xử lý của phần cứng v.v..
Ở hầu hết các quốc gia, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội đang thu hút sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân. Nhiều dự báo cho thấy tiềm năng to lớn mà việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể mang tới cho nâng cấp công nghệ, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.
Nhận thức được thực tế này, ở Việt Nam, trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương “Hoàn thiện pháp luật… để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”, “chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số”.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 127/QĐ-TTg ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đề ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều đã ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực chính sách và pháp luật, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã đặt ra nhiều cơ hội cần được khai thác và những thách thức cần được giải quyết. Trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng đến chính sách và pháp luật ở nhiều khía cạnh, từ việc thay đổi phương thức áp dụng pháp luật đến tạo ra các thách thức mới trong khung thể chế, pháp luật và đạo đức; trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả trong việc thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo, các nhà lập pháp của hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức trong việc tạo ra các quy định mới để điều chỉnh việc sử dụng công nghệ này, bao gồm đảm bảo sự an toàn và độ tin cậy của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các vấn đề về đạo đức, bản quyền, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.
Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật” hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận những vấn đề có liên quan đến chủ đề hội thảo trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.
Hội thảo sẽ có 2 phiên, phiên 1 được tổ chức với nội dung: xác định những vấn đề tổng quan, những vấn đề mang tính lý luận, pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Phiên 2 tập trung đề cập đến những vấn đề cụ thể như: quyền tác giả, lợi ích, thực trạng và giải pháp, cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Trí tuệ nhân tạo và hoàn thiện pháp luật
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Lê Hồng Phương, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày bài tham luận "Tổng quan về trí tuệ nhân tạo, học máy, học sâu và các mô hình nền tảng". Theo đó, PGS.TS Lê Hồng Phương giới thiệu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy, học sâu, các mô hình nền tảng nói chung và các mô hình ngôn ngữ lớn nói riêng. Bên cạnh những ứng dụng hữu ích của các mô hình trí tuệ nhân tạo, PGS.TS Lê Hồng Phương còn trình bày một số ưu điểm và hạn chế của chúng, tóm lược một số hướng nghiên cứu thời sự liên quan của các nhà khoa học máy tính nhằm tiếp tục cải tiến các mô hình này.
Cùng với đó, TS Nguyễn Đức Toàn, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tham luận "những vấn đề chung về nhận diện AI và ứng dụng của AI trong thực tế". Theo đó, TS Nguyễn ĐứcToàn giới thiệu về trí tuệ nhân tạo hay AI, mục tiêu mà con người tạo ra AI cũng như AI có thể làm được nhiều việc như tạo ra ảnh, video, bắt chước giọng nói, văn bản,....
TS Trần Tiến Công, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trình bày tham luận "Nâng cáo tính xác thực và bảo hộ bản quyền của hình ảnh trong thời đại của AI tạo sinh"; TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp trình bày tham luận "Những vấn đề pháp lý đặt ra đối với quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh và phản ứng chính sách của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới".
Cùng trình bày tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp trình bày tham luận "Quyền tác giả đối với tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh: Thực tiễn của Liên minh Châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam".
TS Vương Thanh Thúy, Trưởng Bộ môn Luật Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận "Cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu bản quyền và công chúng trong thời đại phát triển trí tuệ nhân tạo".
Buổi hội thảo trở thành một điểm đến của tri thức, một diễn đàn khoa học rộng mở để các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu, trao đổi làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra liên quan đến chủ đề của hội thảo.