Trí tuệ và bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam

Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng và đã đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954; đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, mặc dù xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, lại trải qua hơn 30 năm chiến tranh liên miên tàn phá nặng nề và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng đến nay đất nước đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; văn hóa - xã hội có bước phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh để Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc đó chính là trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng. Trí tuệ, bản lĩnh của Đảng được hình thành trên cơ sở tiếp nối truyền thống của dân tộc, được rèn luyện, vun đắp trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam và được thể hiện trên một số nét sau:

Thứ nhất, đó là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và lãnh đạo cách mạng. Đây chính là truyền thống, bản lĩnh chính trị chi phối toàn bộ hoạt động của Đảng và cũng là nét nổi bật về tầm cao trí tuệ của Đảng.

Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua trong hội nghị thành lập Đảng đã thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến, đánh giá đặc điểm, tính chất xã hội Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX, chỉ rõ những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là việc đánh giá đúng đắn thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Từ đó, xác định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng; xác định phương pháp, nhiệm vụ và lực lượng của cách mạng. Đây là lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một Cương lĩnh chính trị đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, kể cả trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng tiếp tục thể hiện ở sự phân tích đánh giá tình hình và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện hoàn cảnh ở Việt Nam khi xác định nhiệm vụ mục tiêu cách mạng trong các giai đoạn cách mạng cụ thể; lựa chọn phương pháp cách mạng thích hợp; xử lý các tình huống và giải quyết đúng đắn mối quan hệ cách mạng cả trong và ngoài nước để vừa phát huy nội lực của dân tộc, của đất nước, vừa tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của thế giới; nắm vững thời cơ, đẩy lùi nguy cơ để đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách và đi đến những thắng lợi.

Thứ hai, luôn kiên định con đường cách mạng, kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không bi quan, dao động trước những khó khăn, thử thách và kịp thời có những quyết sách đúng đắn để đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách.

Thực tiễn 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng vẫn luôn kiên định và kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn, thử thách của cách mạng, sự kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng và kịp thời có những quyết sách đúng đắn lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách càng minh chứng rõ cho bản lĩnh, trí tuệ và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

Ngay khi mới ra đời và lãnh đạo cách mạng, mặc dù bị thực dân Pháp đàn áp khủng bố dã man, hệ thống tổ chức của Đảng bị tan vỡ hoàn toàn từ trung ương đến địa phương, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân sau đó giảm dần và lắng xuống. Tuy nhiên, Đảng luôn kiên định mục tiêu, giữ vững niềm tin tất thắng, ý chí kiên cường bất khuất; giữ vững ý thức tổ chức và kỷ luật; sắc bén và kịp thời trong công tác tư tưởng để lãnh đạo đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, khôi phục được hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng, tạo điều kiện đưa cách mạng bước vào giai đoạn mới và giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng trước những khó khăn, thử thách của Đảng với sự chủ động trong những quyết sách đúng đắn tiếp tục thể hiện trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là việc giữ vững nguyên tắc chiến lược, nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược ngoại giao thêm bạn, bớt thù và nhân nhượng có nguyên tắc đã hạn chế tới mức thấp nhất sự phá hoại của các thế lực đế quốc và bọn phản động trong nước, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là quyết định khởi nghĩa từng phần, mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ một cách độc đáo, khéo léo, đáp ứng khát vọng của nhân dân yêu nước và cán bộ miền Nam, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới... Đặc biệt, trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX, nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Cách mạng Việt Nam đứng trước những thách thức mới vô cùng nghiệt ngã với sự chống phá của các thế lực thù địch; những khuyết tật của cơ chế tập trung, bao cấp; sự bao vây, cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam ngày càng siết chặt. Song, với trí tuệ, bản lĩnh đã được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng và tinh thần trách nhiệm trước toàn dân tộc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) đã quyết định đổi mới toàn diện đất nước với tư duy mới, quan niệm mới về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, đã đưa đất nước vượt qua thách thức do tác động bởi sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, từng bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, để bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Thứ ba, có thái độ đúng đắn với những sai lầm, khuyết điểm.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.1

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã có những lúc mắc phải sai lầm khuyết điểm. Tuy nhiên, trí tuệ, bản lĩnh thể hiện đó chính là việc Đảng nhìn nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và có những giải pháp kịp thời để kiên quyết sửa chữa những sai lầm khuyết điểm. Chẳng hạn, chỉ thị gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng ở Trung Kỳ, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 20-5-1931; các nghị quyết trong Hội nghị lần thứ 10 khóa II (năm 1956) về sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức; kết luận của Bộ Chính trị về một số khuyết điểm trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ; về những nhận định, đánh giá trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, trong Cương lĩnh năm 1991. Đặc biệt là trong các văn kiện của các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới, nhất là trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Qua các văn kiện đó đã phản ánh rõ tinh thần phê và tự phê của Đảng luôn được thực hiện trong mọi hoàn cảnh, mọi thời kỳ cách mạng.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ lý luận Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc ngoài phải đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược hung bạo để giành độc lập, tự do, thì đồng thời lại phải chống lại cả sự phá hoại về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch hòng đưa cách mạng đi chệch hướng dẫn tới thất bại.

Ngay những năm 30 của thế kỷ XX, khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng, Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa Tờ-rốt-kít và những phần tử Tờ-rốt-kít phá hoại phong trào cách mạng các nước, trong đó có cách mạng Việt Nam.

Vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, xuất hiện chủ nghĩa xét lại tiến công vào giá trị khoa học cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh, phê phán chủ nghĩa xét lại và mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xét lại và cơ hội một lần nữa gây ảnh hưởng xấu, tổn thất lớn trong các nước xã hội chủ nghĩa. Những người xét lại đã nắm quyền lãnh đạo nhiều nước xã hội chủ nghĩa, dẫn tới sự khủng hoảng toàn diện, sâu sắc chưa từng có, làm tan rã và sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Vẫn thủ đoạn phủ định và coi Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời để xóa bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, phá tan những thành quả to lớn của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng. Từ phá hoại nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng để phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, truyền bá chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng; đề cao dân chủ tư sản với chiêu bài dân chủ hóa, công khai hóa; phủ nhận những thành quả cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo và chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã sớm nhận thấy những diễn biến tiêu cực của các Đảng và các nước xã hội chủ nghĩa, nên đã chủ động phòng ngừa những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Sự chủ động trong đấu tranh và phòng ngừa thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) của Đảng đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đổi mới đúng hướng, đúng mục tiêu và có hiệu quả. Tiếp sau đó Đảng tiếp tục đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị và có những chỉ đạo quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, 90 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam là 90 năm Đảng không ngừng trau dồi bản lĩnh cách mạng và trí tuệ khoa học. Đây chính một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở các thời kỳ lịch sử trước đây và tiếp tục đặt ra trong thời kỳ hiện nay khi tình hình quốc tế và trong nước đang đặt Đảng ta đứng trước nhiều vấn đề mới và hết sức phức tạp, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục không ngừng nâng cao trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế. Với truyền thống cách mạng và trí tuệ, bản lĩnh được thử thách, rèn luyện qua 90 năm xây dựng, phát triển, chúng ta có thể tin tưởng rằng, Đảng sẽ chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang. Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ là dịp Đảng phát huy cao độ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn để giải quyết kịp thời những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn; phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới. Đồng thời, Đảng cũng sẽ lựa chọn được những cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp thực sự tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có đức, có tài, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, để góp phần xây dựng Đảng thực sự là trí tuệ, đạo đức, văn minh, luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới.

Lương Trọng Thành

Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr 301

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/tri-tue-va-ban-linh-cua-dang-cong-san-viet-nam/113800.htm