Trích đo địa chính dự án có thu hồi đất, thực hiện thế nào?
Đơn vị ông Nguyễn Thanh Toàn (Phú Yên) đang thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn, trong đó có xây dựng mạng lưới tuyến ống cấp nước dài 300 km. Trong quá trình thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, dự kiến thu hồi khoảng 10 km đất của người dân để thi công tuyến ống.
Đơn vị tư vấn đo đạc yêu cầu phải đo đạc trích đo địa chính trên toàn bộ 300 km đất (khoảng 990 ha) để xác định vị trí thu hồi để tiến hành lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ông Toàn hỏi, chỉ cần thu hồi 10 km đất mà đơn vị tư vấn yêu cầu phải đo địa chính cả chiều dài tuyến 300 km để phục vụ công tác đền bù như vậy có đúng với quy định không? Được hướng dẫn tại văn bản nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính thì: "5. Trích đo địa chính thửa đất là việc đo đạc địa chính riêng đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai".
Khoản 5 Điều 18 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định: "5. Việc thực hiện trích đo và trình bày, chỉnh lý thửa đất trong mảnh trích đo thực hiện như đối với đối tượng là thửa đất trên bản đồ địa chính quy định tại Thông tư này. Khi trích đo địa chính từ hai thửa đất trở lên trong cùng một thời điểm mà có thể thể hiện trong phạm vi của cùng một mảnh trích đo địa chính thì phải thể hiện trong một mảnh, trích đo đó".
Khoản 5 Điều 21 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định: "5. Trường hợp và trích đo địa chính thửa đất thì không phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhưng phải lập phương án thi công và được cơ quan quyết định, đầu tư phê duyệt".
Điểm 7.2 Khoản 7 Điều 22 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định: "7.2. Trường hợp trích đo địa chính thửa đất phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất và mục đích quản lý đất đai khác thì việc xác nhận mảnh trích đo địa chính được thực hiện như quy định đối với việc xác nhận bản đồ địa chính quy định tại Điểm 6.1 Khoản 6 Điều này".
Căn cứ các quy định nêu trên thì trích đo địa chính thửa đất là việc đo đạc địa chính riêng đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai.
Đối với nơi đã có bản đồ địa chính, về cơ bản phải thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính, không thực hiện trích đo để bảo đảm hiệu quả đầu tư và tiết kiệm kinh phí.
Đối với khu vực thuộc trường hợp trích đo địa chính thửa đất phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì việc thực hiện và trình bày mảnh trích đo như đối với đối tượng là thửa đất trên bản đồ địa chính.
Trong thiết kế kỹ thuật - dự toán hoặc phương án thi công cần xác định rõ phạm vi khu vực phải đo đạc theo nguyên tắc từng thửa đất thuộc phạm vi khu vực thu hồi phải đo vẽ trọn thửa (đo vẽ hết thửa đất, bao gồm cả phần diện tích bị thu hồi theo tuyến và phần diện tích còn lại của thửa đất sau thu hồi) để phục vụ việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính.
Trường hợp khu vực thu hồi cắt qua thửa đất rộng lớn, phần diện tích còn lại sau thu hồi lớn hoặc khu vực thu hồi cắt ngang qua các thửa đất thuộc yếu tố hình tuyến như sông, suối, kênh, mương, đường giao thông,… thì không cần đo vẽ hết thửa đất, phần đo vẽ cần thiết căn cứ vào yêu cầu cụ thể của dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn và bảo đảm thông tin khớp nối trên bản đồ giữa ranh giới phần thửa đất bị thu hồi và phần đất ngoài ranh giới thu hồi.
Đề nghị ông trên cơ sở các quy định nêu trên, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương để được hướng dẫn việc xác định phạm vi ranh giới đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính đối với các dự án có thu hồi đất, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.