Trích một số tham luận của đại biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ghi nhận 105 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và tham luận tại hội trường. Các ý kiến tham luận tập trung vào những vấn đề quan trọng, nổi bật nhất, góp phần làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kiến nghị nhiều giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Báo Hòa Bình trích đăng nội dung tóm tắt một số tham luận.
* Phát triển KT-XH miền núi, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Nước ta là quốc gia đa dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS), cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Đây là vùng có vị trí trọng yếu về kinh tế, QP-AN và đối ngoại.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, những năm qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã dành nhiều sự quan tâm cho vùng DTTS và miền núi; cùng với những nỗ lực vươn lên của Nhân dân, KT-XH trong vùng có bước phát triển khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ; GD&ĐT, y tế được quan tâm; an sinh xã hội đảm bảo; công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn; ANCT - TTATXH giữ vững; QP-AN được củng cố, tăng cường. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng khó khăn và đang trở thành "lõi nghèo của cả nước”, với thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ người DTTS chỉ chiếm 14,7% dân số, song tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm 57,16% tổng số hộ nghèo cả nước. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống các DTTS có xu hướng ngày càng mai một; nhiều nơi tồn tại hủ tục lạc hậu… Nguyên nhân chính của những hạn chế này là do xuất phát điểm của vùng thấp, khó khăn trong thu hút đầu tư; biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân; các thế lực thù địch liên tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vì vậy, vùng còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về ANTT.
Song Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vùng DTTS và miền núi là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng, phát triển KT-XH vùng cũng chính là sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, theo tôi, mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2020 - 2025 cần được đặt ra là: Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ; phát triển toàn diện GD&ĐT, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện bình đẳng giới; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững ANCT - TTATXH, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS với Đảng, Nhà nước.
Để phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, theo tôi cần tập trung vào một số giải pháp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, tăng cường nguồn lực đầu tư và hỗ trợ từ T.Ư, với vai trò dẫn dắt, khai thông các nguồn lực tại chỗ; đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng hạ tầng KT-XH, tạo tiền đề phát triển nhanh, bền vững; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong Nhân dân; tạo lập các mối quan hệ, liên kết kinh tế - thương mại với các tỉnh trong cả nước... Bên cạnh phát triển KT-XH, cần đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường tiềm lực QP-AN; bảo vệ môi trường sinh thái..
Tôi tin tưởng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ xây dựng được định hướng chiến lược, tạo đột phá phát triển cho vùng DTTS và miền núi.
* Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tỉnh
Đại biểu Bùi Thị Minh
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và coi đó là nhân tố góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước.
Tính đến ngày 30/6/2020, tỉnh ta có 31.247 cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), trong đó, nữ chiếm 63,1%; đảng viên chiếm 63,2%, người dân tộc thiểu số chiếm 53,4%. Năm 2015, số CB,CC có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên là 94%, lý luận chính trị (LLCT) trung cấp trở lên là 12,2%. Sau 5 năm, chất lượng đội ngũ được nâng cao rõ rệt, số có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 99%, LLCT trung cấp trở lên chiếm 17,3%; trình độ tin học, ngoại ngữ đã qua bồi dưỡng lần lượt chiếm 95,6% và 79,2%. Từ năm 2016 đến nay, có 29.610 lượt CB, CC,VC học các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. Trong nhiệm kỳ đã mở 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 180 đồng chí là cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, 1 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015 - 2020, 2020 - 2025 cho 88 đồng chí.
Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ CB,CC còn một số hạn chế, như: số lượng, cơ cấu các mặt chưa thật sự hợp lý; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa phù hợp; độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số sở, ban, ngành còn cao; công tác quy hoạch, tạo nguồn CB,CC còn nhiều bất cập; việc đánh giá, xếp loại CB,CC làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với CB,CC ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC trong hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xin đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, cần tập trung hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh công chức. Qua đó giúp việc xác định biên chế của mỗi cơ quan, đơn vị đảm bảo cơ sở khoa học, sát thực tế hơn; người đứng đầu cơ quan cũng đánh giá được toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan; phát hiện những chồng chéo, bỏ sót…
Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ tất cả các khâu trong công tác cán bộ; đưa công tác này đi vào chất lượng, phản ánh đúng thực chất; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, quy hoạch cấp ủy, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ gắn với thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm.
Thứ ba, làm tốt công tác quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ.
Thứ tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ…
Thứ năm, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB,CC; khắc phục tình trạng giảm số lượng đơn thuần mà phải gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC.
* Xác định các nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, bền vững
Đại biểu Quách Tất Liêm
Giám đốc Sở KH&ĐT Trước hết, tôi hoàn toàn tán thành các nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Có thể thấy, bên cạnh những kết quả nổi bật về kinh tế tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, như: tăng trưởng kinh tế còn ở mức khiêm tốn, môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh còn ở nhóm thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với bình quân chung cả nước… Xuất phát từ thực tế, chúng ta cần xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo thêm động lực phát triển KT-XH nhanh và bền vững hơn trong nhiệm kỳ tới. Tại diễn đàn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tôi đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Bởi đây là công cụ quan trọng để Nhà nước phân bổ nguồn lực và quản lý đầu tư phát triển, nếu chất lượng quy hoạch thấp thì sẽ trở thành "nút thắt” cản trở lớn nhất đến các hoạt động đầu tư phát triển. Do vậy, tôi đề nghị ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy hoạch của tỉnh đảm bảo chất lượng, có tính chiến lược, khoa học và khả thi cao, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, từ đó tạo thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển. Hai là, nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và một số luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Ba là, tập trung thực hiện các giải pháp để thu hút tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu. Điển hình như: Cơ cấu lại để thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tập trung cho các dự án trọng điểm đã được xác định là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, là nhân tố tác động khơi thông các nguồn lực đầu tư khác. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi, thông thoáng để thu hút mạnh các nguồn lực ngoài NSNN. Vận động các nguồn vốn ODA giai đoạn tới (đạt trên 8.000 tỷ đồng) để đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển hạ tầng thiết yếu… Tôi tin tưởng rằng, khi các nhiệm vụ trọng tâm trên được thực hiện quyết liệt gắn với nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai…, chúng ta sẽ tạo được những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ tới.
* Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế
Đại biểu Bùi Thị Niềm
Giám đốc Sở VH-TT&DL
Hòa Bình có 6 dân tộc chính cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa mang đặc trưng riêng với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đa dạng, phong phú. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 786 di sản, thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể; về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, toàn tỉnh có 276 điểm, trong đó đã có 41 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 60 di tích cấp tỉnh; Hòa Bình hiện còn lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, khoảng 12 nghìn chiếc chiêng, hơn 10.000 hiện vật đồ đá của nền Văn hóa Hòa Bình.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình đã đạt những kết quả tích cực: Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia; di sản văn hóa mo Mường được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; hoàn thành xây dựng bộ chữ Mường và tài liệu học tiếng dân tộc Mường, được đông đảo Nhân dân ủng hộ. Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành và lãnh đạo triển khai hiệu quả Chương trình hành động số 15 thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Di sản văn hóa trở thành tài nguyên vô giá để ngành du lịch khai thác, phát triển, góp phần xóa đói - giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa bằng việc mở rộng biên giới văn hóa từ phạm vi địa phương, dân tộc, quốc gia ra toàn thế giới, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn, có tính quảng bá, trong đó phải kể đến: Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh; Liên hoan trình diễn chiêng Mường; Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019; Liên hoan các làng du lịch cộng đồng… Đồng thời, tỉnh đã chủ động lựa chọn, xây dựng, tạo được một số sản phẩm, ấn phẩm, công trình văn hóa, chương trình nghệ thuật có chất lượng, góp phần làm phong phú, đa dạng sự giao lưu văn hóa của tỉnh với cả nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi hội nhập đó là không chỉ tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, mà còn phải giữ gìn được nền văn hóa dân tộc.
Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa với các ngành chủ chốt như: quảng cáo; thủ công, mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn… có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội cho văn hóa, du lịch của tỉnh phát triển. Để hài hòa giữa hội nhập và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôi đề xuất một số giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo; ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa - du lịch; mở rộng giao lưu, hợp tác, tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao để quảng bá vùng đất, văn hóa và con người Hòa Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế…
Huyện Lạc Thủy đẩy mạnh đầu tư, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển KT-XH
Đại biểu Bùi Văn Trường
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lạc Thủy
Tôi thay mặt đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Lạc Thủy thể hiện sự nhất trí cao với chủ trương chú trọng đầu tư, thu hút đầu tư đã được nhấn mạnh trong báo cáo chính trị trình tại đại hội. Thực tế thời gian qua cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo ra những động lực to lớn thúc đẩy KT-XH toàn tỉnh.
Bám sát chủ trương chung, Đảng bộ huyện Lạc Thủy cũng xác định, muốn thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, tích cực kêu gọi đầu tư vào địa bàn. Theo đó, cấp ủy huyện đã kịp thời ban hành một số nghị quyết chuyên đề; HĐND, UBND huyện xây dựng các nghị quyết, đề án, kế hoạch cụ thể hóa. Qua 5 năm triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế, huyện Lạc Thủy đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị, nông thôn; đời sống Nhân dân được cải thiện cả về vật chất, tinh thần; xây dựng NTM đạt kết quả đáng ghi nhận với 8/8 xã đạt chuẩn NTM. Những kết quả này đặt nền tảng quan trọng để huyện Lạc Thủy đạt chuẩn NTM năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Riêng về kết quả thu hút đầu tư, tính đến tháng 6/2020, toàn huyện đã có 53 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng, tăng gần 14 lần so với giai đoạn trước. Đây là một bước phát triển đột phá của huyện nhiệm kỳ qua, đồng thời tiếp tục là giải pháp chiến lược trong nhiệm kỳ tới. Trên cơ sở thực tế và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, tại diễn đàn đại hội, huyện Lạc Thủy đề xuất với tỉnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm, bám sát định hướng đẩy mạnh đầu tư, thu hút đầu tư với niềm tin chắc chắn rằng, nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đầu tư và thu hút đầu tư, góp phần đắc lực phát triển KT-XH của toàn tỉnh.
Về phía Đảng bộ huyện Lạc Thủy, chúng tôi quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 vươn lên tốp đầu phát triển của toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 105 triệu đồng/năm (cao hơn mức bình quân chung của tỉnh)… Đây là mục tiêu mang tính cách mạng, thể hiện quyết tâm chính trị cao, đòi hỏi triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp. Kính mong nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố để Lạc Thủy hoàn thành mục tiêu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
* Phát triển chính quyền điện tử tỉnh hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đô thị thông minh
Đại biểu Nguyễn Hoàng Thư
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông
Trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước trên con đường CNH-HĐH và hội nhập thế giới, Đảng ta luôn nêu cao vị trí, vai trò của Công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời không ngừng tăng cường sự lãnh đạo phát triển CNTT để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới.
Sở TT&TT đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch quan trọng nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về lĩnh vực CNTT; kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện; hệ thống Cổng dịch vụ công, phần mềm một cửa điện tử tỉnh, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã được triển khai đồng bộ, liên thông 4 cấp, sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử…
Ngày 12/5/2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 782/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và triển khai đồng loạt hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện và xã, phường và thị trấn... Năm 2019, Bộ TT&TT xếp hạng đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh Hòa Bình đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2018.
Tại đại hội, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Tăng cường chỉ đạo xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình hành động số 33-CTr/TU, ngày 10/7/2020 của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ban hành Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh về hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Quán triệt quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ qua việc thiết lập và vận hành Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh, kết nối cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. Nêu cao vai trò, trách nhiệm, quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp, xử lý dịch vụ công trực tuyến…
Tỉnh cân đối dành khoảng 1% ngân sách hàng năm chi cho CNTT. Hiện tại, mặt bằng chung các tỉnh chi cho CNTT trung bình là 0,15% ngân sách. Đây là mức thấp, chưa đủ để đẩy nhanh chuyển đổi số.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức…
Tăng cường tuyên truyền về hiện đại hóa hành chính, về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, đô thị thông minh; hỗ trợ hướng dẫn cho Nhân dân nâng cao khả năng sử dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính...
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ di động trên băng thông 5G, làm nền tảng để internet kết nối vạn vật phát triển, đáp ứng các nền tảng kỹ thuật cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.