Trịch thượng - 'Hố đen' khó xóa của người nghệ sĩ
Khán giả ngày nay không còn là những người thầm lặng ngưỡng vọng nghệ sĩ nữa. Với mạng xã hội, họ đã trở nên có tiếng nói. Nếu thất vọng về nghệ sĩ, họ có thể bày tỏ quan điểm rất mạnh mẽ. Do vậy, dù không biết là cố tình hay vô ý những sự thiếu tôn trọng với khán giả cũng khiến người nghệ sĩ phải trả giá rất đắt.
Thời buổi công nghệ tràn lan, để được chú ý hay được chú ý hơn nữa, người ta có rất nhiều cách. Nói lời hay ý đẹp đã đành, hành động tích cực đã đành, đôi khi nói lời khó nghe cũng khiến người nổi tiếng trở nên nổi tiếng hơn nữa.
Nghệ sĩ nổi tiếng vì có nhiều khán giả hâm mộ. Nhưng nếu vì một vài phát ngôn thiếu xét đoán, thiếu tỉnh táo mà khán giả đồng loạt quay lưng, tắt tivi, không đến rạp những chương trình có người nghệ sĩ đó thì coi như sự nghiệp của họ sa vào ngõ cụt. Coi thường khán giả bao giờ cũng là tử lộ của người nghệ sĩ. Một chút khinh suất, người nghệ sĩ có thể sẽ phải trả giá.
Trở thành tâm điểm của mạng xã hội, là con dao hai lưỡi. Người nghệ sĩ có thể được yêu thêm hay bị ruồng rẫy khi ở trong tâm điểm ấy. Chúng ta không lạ gì những câu chuyện như vậy trên mạng xã hội. Và cũng từ đây, nhiều khía cạnh của người nghệ sĩ được bàn tán rất nhiều mà không đơn giản chỉ là tài năng nghệ thuật.
Xuân Bắc và câu chuyện "Cái tát của mẹ" vẫn đang là một ví dụ rất mới về vấn đề này. Không ai phủ nhận tài năng của anh. Từ sân khấu hài, điện ảnh hay cả khi làm MC, Xuân Bắc cũng tỏa sáng theo cách riêng của mình. Nhưng đôi khi cách phản ứng của họ với lời chê khiến khán giả cho rằng mình bị xem thường, hậu quả là sự phẫn nộ và quay lưng.
Vào ngày mùng 2 Tết, NSƯT Xuân Bắc đăng trên trang cá nhân bài viết rất dài tựa đề Cái tát của mẹ, kể chuyện một người mẹ Tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng trong khi con trai bà, người "gói bánh (chưng) rất ngu", năm nào cũng mong mỏi bánh chưng của mẹ, ăn "tụt cả lưỡi" nhưng lại chê bánh mẹ gói. Cuối cùng, anh ta nhận "cái tát lật mặt" của mẹ cùng lời mắng "ăn cháo đá bát".
Xuân Bắc kết thúc "truyện ngụ ngôn" bằng câu "Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3".
Bài viết sử dụng ngôn từ sắc sảo và "đanh đá", nội dung câu chuyện cũng như cách dẫn dắt, các chi tiết, thông điệp trong đó khiến số đông người đọc hiểu rằng Xuân Bắc đang "mắng" những người chê chương trình Táo quân năm nay. Thế là trong mấy ngày trời, mạng xã hội sôi sục với những lời chỉ trích, phê phán Xuân Bắc có thái độ bề trên, coi thường khán giả.
Trước sự phản đối gay gắt của khán giả, Xuân Bắc vẫn im lặng, mãi đến chiều 27/1 mới lên tiếng trên báo Văn Hóa - cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Anh nói lời xin lỗi nhưng không phải vì đã "mắng" khán giả "ăn cháo đá bát" mà vì "gây hiểu nhầm".
Câu chuyện mà tôi viết trên status chỉ là chuyện cá nhân và không hề có ý làm tổn thương, xúc phạm khán giả - những người mà tôi luôn trân trọng, biết ơn. Tuy nhiên, qua dư luận, câu chuyện của tôi đã gây hiểu nhầm cho một số khán giả. Tôi chân thành xin lỗi khán giả về điều này và cũng chân thành cảm ơn những người đã hiểu đúng câu chuyện của tôi. Tôi mong muốn được khán giả tiếp tục đồng hành, ủng hộ".
Nhiều khán giả cho rằng, Xuân Bắc "xin lỗi cũng như không", và bất bình vì anh không gỡ bài viết trên trang cá nhân của mình.
Ngay cả đến "ông hoàng phòng vé" Trấn Thành cũng đã bị khán giả tẩy chay khi "thách" khán giả tắt TV. Đó là vào năm 2017, nam danh hài bị "vạ miệng" khi phản hồi về ý kiến "gameshow hài ngày càng rẻ tiền".
Theo Trấn Thành, một số khán giả chỉ dựa trên vài vấn đề nhỏ để quy chụp cả chương trình là nhảm. Anh tuyên bố: “TV là của chung, chúng ta nên chọn lọc mà xem. Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt TV”.
Phát ngôn của Trấn Thành khiến nhiều khán giả nổi giận, chỉ trích gay gắt. Họ cho rằng Trấn Thành quá ngạo mạn, coi thường khán giả. Thậm chí nhiều người còn kêu gọi bạn bè, thân nhân và người xem truyền hình tẩy chay những show có ông xã Hari Won tham gia. Phát ngôn này cũng được cho là một lý do khiến Đài truyền hình Vĩnh Long "cấm sóng" Trấn Thành, khiến nam danh hài không còn xuất hiện trong các chương trình của đài một thời gian.
Sau đó, Trấn Thành gửi lời xin lỗi. Thái độ cầu thị cùng với tài năng giúp anh dần lấy lại được hình ảnh của mình, tiếp tục bùng nổ với loạt gameshow và chương trình truyền hình thực tế.
Năm 2019, sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, Việt Anh đối mặt với vô số lời chê bai và tiếc nuối cho gương mặt cũ của anh. Nam diễn viên đáp trả gay gắt: "Bạn này cách suy nghĩ rất văn minh và con người. Không như một số con người nhưng lại là.... à mà thôi. Nên nhưng ai muốn mình hoàn thiện hơn một cách chính đáng thì cứ mạnh dạn và dũng cảm nhé. Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi... OK".
Phát ngôn này của Việt Anh khiến nhiều người giận dữ, cho rằng nam diễn viên thiếu tôn trọng khán giả và dùng những lời lẽ thiếu văn minh. Tuyên bố "chó cứ sủa đoàn người cứ đi" của Việt Anh càng khiến nhiều người bức xúc. Họ cho rằng người nổi tiếng phải chấp nhận những lời khen chê từ công chúng; phẫu thuật đẹp hay xấu còn phụ thuộc vào mắt nhìn của mỗi người, nhưng ẩn ý gọi khán giả là "chó" thì không thể chấp nhận.
Dù đối mặt với vô số chỉ trích, Việt Anh vẫn không xin lỗi.
Ngay đêm qua, một bài đăng nhận xét về tính cách của “O Sen” Ngọc Mai đang trở thành tâm điểm bàn tán của công chúng. Người này cho rằng sau khi đoạt giải Quán quân, tính cách của Ngọc Mai có gì đó "trịch thượng, sân si" hơn rất nhiều.
"Em có biết nhìn em bây giờ rất hung dữ không? Đôi mắt em, thật lạ, thay vì ánh ngời niềm viên mãn, lại chỉ thấy long lên những cay nghiệt. Đôi khi, tôi sợ. Mai sân si và trịch thượng. Sân si không biết vì lẽ gì nhưng trịch thượng có thể vì Mai quen mình là cô giáo, quen nhìn xuống mà nói chuyện". Bài đăng này nhanh chóng được dân tình chia sẻ chóng mặt và tạo nên đề tài rôm rả trên mạng xã hội.
Khán giả trước đây chỉ là người tiếp nhận, thưởng thức một chiều thông qua các kênh truyền thống như truyền hình, phát thanh. Còn ngày nay, nhờ internet, mạng xã hội và rất nhiều kênh kết nối khác, khán giả thế hệ mới đã tham gia, trở thành một phần không thể tách rời của hoạt động nghệ thuật.
Mark Thompson, cựu chủ tịch công ty The New York Times kiêm cựu tổng giám đốc BBC, đưa ra khái niệm "khán giả năng động". Họ là người bàn luận, tranh luận, sáng tạo, giao lưu và chia sẻ về tác phẩm. Một tác phẩm không được khán giả biết đến, bình phẩm hay lan tỏa thì hành trình của nó chưa trọn vẹn.
Như vậy, đóng góp của khán giả đối với nghệ thuật ngày càng lớn mạnh, chưa hề thuyên giảm. Khi một tác phẩm được yêu thích, lan tỏa, sức ảnh hưởng là rất rõ ràng: nghệ sĩ có mặt trên top thịnh hành, nổi tiếng hơn, đắt sô hơn, có nhiều hợp đồng quảng cáo hơn, thăng hạng về vị thế ngôi sao... Và ngược lại, tác phẩm bị thờ ơ, ghét bỏ hoặc tệ hơn nữa là kêu gọi tẩy chay thì nghệ sĩ sẽ nhận hậu quả tương ứng.