Triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 3

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 26 tỉnh, thành phố đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 năm 2024.

Toàn cảnh tại điểm cầu Lạng Sơn

Toàn cảnh tại điểm cầu Lạng Sơn

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn gồm các đồng chí: Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17, khi đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13 – 14, giật cấp 16 – 17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh) và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía bắc.

Để ứng phó với cơn bão số 3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, do bão có cường độ mạnh và kéo dài đã gây thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể, đến nay, cả nước bước đầu đã ghi nhận có 6 người chết; một số tàu, thuyền bị chìm tại nơi neo đậu; mất điện, mất liên lạc diện rộng; nhiều nhà, công trình công cộng bị hư hỏng, tốc mái; 54.556 ha lúa, hoa màu và trên 3.600 ha cây ăn quả bị ngập, hư hại...

Tại Lạng Sơn, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành các văn bản, công điện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024. Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại 11/11 huyện, thành phố.

Theo báo cáo nhanh từ UBND các huyện, thành phố, tính đến 6 giờ ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh có 4 người bị thương; 238 hộ dân phải di dời; 766 hộ bị thiệt hại về nhà ở; trên 305 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng.

Về giao thông, có 11 vị trí trên tuyến quốc lộ bị cây đổ xuống, một số điểm ngập sâu gây ảnh hướng đến việc lưu thông; 1 vị trí ngập úng, 1 vị trí sạt lở taluy âm, 18 vị trí bị cây đổ trên tuyến đường tỉnh. Ngoài ra, còn một số thiệt hại khác như: cột điện, cột thông tin liên lạc bị gãy đổ...

Ngay sau khi có những thiệt hại xảy ra, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương, nhanh chóng khắc phục. Đến nay, đối với tuyến đường giao thông có nhiều cây gãy, đổ, sạt lở đất với khối lượng nhỏ đã được lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt; các vị trí ngập úng đã được căng dây, đặt biển cảnh báo và tổ chức trực đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với cơn bão số 3; đồng thời, đưa ra các giải pháp tiếp tục ứng phó với mưa lớn sau bão, công tác khắc phục thiên tai nhằm ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 8 đến ngày 9/9, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực đồng bằng, trung du và vùng núi phía bắc. Nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan, chính quyền các tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo, tập trung lực lượng phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; biểu dương người dân đã chấp hành tốt các quy định của Chính phủ về công tác phòng chống bão số 3.

Đồng chí yêu cầu: Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động tích cực, khắc phục hậu quả sau mưa bão; bố trí lực lượng cứu nạn, cứu hộ tiếp tục ứng trực kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả sau bão; tập trung khắc phục ngay các trường học hư hại; duy trì công tác dự báo, thông tin truyền thông; hướng dẫn kỹ năng phòng chống, khắc phục sau bão.

Đồng thời, các bộ, ngành, chính quyền địa phương dự trữ, dự phòng về tài chính, phương tiện, vật tự phòng chống, khắc phục lụt bão, thiên tai; quản lý thống kê tài sản mất mát, hư hỏng; xuất gạo cứu trợ người dân bị ảnh hưởng, không để người dân bị thiếu đói...

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo sau khi kết thúc hội nghị

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo sau khi kết thúc hội nghị

Ngay sau hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo phân công phụ trách địa bàn khẩn trương đến các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng tránh lũ, khắc phục thiệt hại; tập trung chỉ đạo sơ tán dân, di dời tài sản đối với các khu vực có khả năng bị ngập lụt do xả lũ hồ Bản Lải; tổ chức hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; rà soát, sửa chữa, vệ sinh các trường học, trụ sở để đi vào hoạt động; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân...

TÂN AN - CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-trien-khai-cac-bien-phap-khac-phuc-thiet-hai-do-mua-bao-so-3-5020829.html