Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, ngành chăn nuôi của tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp.

Trong những ngày này, khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ hộ chăn nuôi lớn tại thôn Vàng, xã Xuân Giao (Bảo Thắng). Tâm sự với phóng viên, anh Tuấn cho biết, do dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong năm 2019, gia đình đã phải thực hiện nhiều biện pháp cách ly, chăn nuôi an toàn để bảo vệ đàn lợn. Anh hạn chế tiếp khách, nếu có, khách phải mặc đồ bảo hộ an toàn mới được “mục sở thị” trang trại của gia đình.

Rắc vôi bột khử trùng khu vực nuôi gà.

Rắc vôi bột khử trùng khu vực nuôi gà.

Với khoảng 10.000 con gà, gần 400 con lợn, đây là trang trại chăn nuôi lớn nhất xã Xuân Giao. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, anh Tuấn xuất bán 60% đàn gà, một số chuồng nuôi đang trong giai đoạn nghỉ (sau mỗi lứa nuôi, các chuồng tạm nghỉ khoảng 1 tháng để vệ sinh tiêu độc, khử trùng). Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng thấy dịch cúm A/H5N1 bùng phát ở một số quốc gia, anh Tuấn khá lo lắng. Vì thế, ngoài việc tiêm phòng vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, anh còn thường xuyên rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đặc biệt, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp sẽ bật hệ thống lò sưởi để chuồng trại luôn đủ ấm và bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Bảo Thắng là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh với 1,8 triệu con các loại (thống kê từ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, từ 3.000 con trở lên, chưa kể các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ). Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều gia đình đã chuyển từ chăn nuôi lợn sang gia cầm nên tổng đàn gia cầm của huyện tăng khá nhanh trong thời gian vừa qua. Mùa đông và mùa xuân thường là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh, vì thế ngay từ đầu mùa, ngành chăn nuôi của huyện đã có phương án chủ động ứng phó cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Sau Tết, người dân đang để trống chuồng trại, vệ sinh tiêu độc, khử trùng và chuẩn bị vào lứa giống mới. Để bảo vệ đàn gia cầm, bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân lựa chọn con giống ở những địa chỉ, các công ty cung ứng giống có uy tín, đảm bảo chất lượng, tránh nhập con giống không rõ nguồn gốc dẫn tới lây lan dịch bệnh. Khi có thông tin dịch cúm A/H5N1 bùng phát ở nhiều quốc gia, huyện đã phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn, yêu cầu các xã, thị trấn tổng vệ sinh, dự kiến hoàn thành trước ngày 8/3.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện còn khoảng 4 triệu con, tập trung nhiều nhất tại huyện Bảo Thắng. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, có nhiều thay đổi bất lợi làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia cầm. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng các tháng đầu năm tăng cao nên nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao. Mới đây, Trung Quốc công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Hồ Nam, địa phương rất gần với Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ xuất hiện, lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, ngành chăn nuôi - thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi cũng như kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 1. Ngành chăn nuôi đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng dịch, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc xin từ sớm và lựa chọn con giống uy tín, chất lượng…

Ngành chăn nuôi cũng phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu tháng 2, sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ hằng năm. Ông Quảng nhấn mạnh: Các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn, thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới nhập và đàn gia cầm đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm; tăng cường kiểm tra, quản lý các hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; khi dịch bệnh xảy ra cần tiêu hủy triệt để gia cầm mắc bệnh, áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm nhanh chóng khoanh vùng, dập tắt dịch...

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-benh-cum-gia-cam-z3n2020022210064737.htm