Triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp độ
Như chúng ta đã biết, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, cơ quan phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp từ Trung ương tới địa phương đã theo dõi sát tình hình, tập trung chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm, triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh kịp thời.
Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quân đội, công an, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên trách, kiêm nhiệm đã phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.
Đội phòng chống cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Đ.Hòa
Thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự, tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy phòng thủ dân sự. Công tác huấn luyện cho các đối tượng trong khu vực phòng thủ được thực hiện nghiêm túc, chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang được nâng lên, tính chủ động ngày càng cao. Tỉnh còn xác định vị trí xin chủ trương giao đất xây dựng doanh trại Trung tâm Huấn luyện bảo vệ sức sống tàu hải đội dân quân thường trực, khảo sát vị trí đất bố trí xây dựng đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Tham mưu Quân khu, Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không – không quân. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dự kiến xây dựng 152 công trình phòng thủ với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Thời gian qua, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến hết sức bất thường, gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản tại một số địa phương. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các ngành, các địa phương và sự chủ động phòng tránh, ứng phó của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh tuy không phức tạp nhưng cũng rất khó lường, trên biển không có bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhưng gió mạnh, sóng lớn cũng ảnh hưởng đến khai thác hải sản và giao thông trên biển.
Trong năm 2022 vừa qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như dông sét, mưa lớn cục bộ, nắng nóng, gió mạnh, sóng lớn trên biển và sạt lở bờ biển… Hậu quả do thiên tai gây ra đã làm 63 người chết, 222 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, hơn 4.480 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, 44 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, sập, hư hỏng 7 cầu, cống giao thông. Tổng thiệt hại toàn tỉnh trong năm 2022 trên 33 tỷ đồng. Trên biển đã xảy ra 72 vụ tai nạn, sự cố làm 59 người chết, 11 người mất tích, 16 tàu cá bị chìm, 9 tàu cá bị sự cố và 1 tàu cá mất tích. Trong nửa đầu năm 2023, thiên tai đã làm 28 người bị thương, 48 căn nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng, 1 thuyền bị chìm, hư hỏng, 207 ha đất nông nghiệp bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh khoảng 65 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên biển còn xảy ra 42 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 10 người, mất tích 12 người, bị thương 5 người, chìm 6 tàu cá, 2 tàu vận tải bị lật nghiêng chìm, 2 tàu vận tải bị sự cố. Trước những sự cố trên, tỉnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ, phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, hướng dẫn tàu thuyền và người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, không để người dân bị thiếu đói, khát, bùng phát dịch bệnh, đồng thời nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai, dịch bệnh.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác phòng thủ dân sự. Phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân trong phòng thủ dân sự, trong đó hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân làm gốc. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng thủ dân sự trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng, có thể sử dụng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực, đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống xảy ra. Xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả.