Triển khai các giải pháp để phục hồi sản xuất nông nghiệp

Số liệu thống kê từ Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến ngày 12/9, diện tích bị ngập lụt, úng tại một số địa phương phía Bắc là hơn 115.000 ha và hơn 32.000 ha rau màu bị dập nát.

Nhiều diện tích lúa bị ngập úng và hư hại sau bão số 3. Ảnh: TTXVN

Nhiều diện tích lúa bị ngập úng và hư hại sau bão số 3. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ NN&PTNT, để giảm thiểu tối đa thiệt hại của mưa bão, hệ thống đê và hồ thủy lợi huy động toàn bộ lực lượng máy bơm để giải quyết úng lụt cho lúa và hoa màu.

Đối với những diện tích lúa và cây trồng không phục hồi được, Bộ đã có hướng dẫn các địa phương chuẩn bị cho xuống giống cho vụ Đông Xuân. Riêng diện tích cây ăn trái đã có hướng dẫn chi tiết cho từng đối tượng như chuối và cây có múi. Đối với rau màu, Cục Trồng trọt cũng chỉ đạo cung ứng giống và quy trình canh tác ngay bởi đây là đối tượng thời gian canh tác ngắn, cần chuẩn bị rau màu cho dịp Tết. Các đơn vị bảo vệ thực vật cũng tập trung giải quyết các bệnh trên cây trồng.

"Ngành thủy lợi với tinh thần là chỗ nào tiêu úng được là tiêu úng tối đa. Nếu có đủ điện và không mưa lớn thì trong 2 ngày tới có thể tiêu úng xong", ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, chia sẻ.

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng quá tải hệ thống thủy lợi do mực nước sông Hồng- Thái Bình dâng cao đã dẫn đến việc phải tạm dừng hoạt động của một số trạm bơm.

Hiện các tỉnh khu vực Bắc bộ đang vận hành 484 trạm bơm với 2.044 máy bơm.

Hiện, hệ thống Bắc Nam Hà đã ngừng hoạt động từ 7 - 12 trạm bơm, trong khi hệ thống Bắc Hưng Hải đã đóng các cống tiêu An Thổ, Cầu Xe và dừng trạm bơm My Động.

Cùng đó, việc bơm tiêu nước vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã bị ngừng hoàn toàn từ ngày 11/9. Đồng thời, hơn một nửa số trạm bơm tiêu của hệ thống Bắc Đuống đã phải tạm dừng hoạt động. Hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ cũng đã tạm dừng việc bơm tiêu nước.

Nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Dương đã phải tạm dừng hoạt động của các trạm bơm tiêu do ảnh hưởng của lũ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại và hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất.

Theo đó, khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông, kênh mương nội đồng; khoanh vùng những nơi ngập úng cao để có phương án xử lý nhanh; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

Rà soát, xác định những diện tích có nguy cơ ngập úng cao để theo dõi chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng; kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ đập, kênh mương, khơi thông bèo rác, vật cản, bảo đảm luồng tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, không để ngập úng xảy ra.

Đối với vùng rau màu bị ảnh hưởng, sau khi nước rút nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… giúp cây nhanh phục hồi. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi.

Với những diện tích rau màu bị thiệt hại, thời vụ loại cây trồng này ngắn, Cục Trồng trọt chỉ đạo khôi phục sớm. Đi kèm với đó là Cục Bảo vệ thực vật với các giải pháp phòng trừ dịch bệnh hại trên đồng ruộng, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y, cần tăng cường tuyên truyền, phối hợp với địa phương tập trung hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, bảo vệ cho vật nuôi sau mưa lũ, kết hợp quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Minh Tuệ/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/trien-khai-cac-giai-phap-de-phuc-hoi-san-xuat-nong-nghiep-20240912142236705.htm