Triển khai các giải pháp không dùng tiền mặt cả ở khu vực nông thôn
Ngày 1/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo 'Ngày nông dân không dùng tiền mặt' với đại diện lãnh đạo một số cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tín dụng, công ty viễn thông, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Tại hội thảo này, lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống.
Hội thảo triển khai các giải pháp không tiền mặt cả ở khu vực nông thôn
Giao dịch không dùng tiền mặt giúp nhanh về đích “Kho bạc 3 không” Gojek ra mắt phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng
Tuy nhiên, một số nguyên nhân cơ bản khiến việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có các giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm…
Theo ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp.
“Điều quan trọng hơn là cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn”, ông Nam nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đó là những giải pháp như: (i) hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng; (ii) thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Vietel, VNPT và MobiFone triển khai thí điểm dịch vụ này.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, trong đó đề xuất quy định về hoạt động đại lý thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị; hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).
Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50 - 80%/năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.