Triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường mùa lễ hội
Tháng Giêng âm lịch là tháng khởi đầu của năm mới nên quan niệm đi lễ cầu may cho cả năm an vui, tài lộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt. Đây cũng là thời điểm khai Xuân của hàng trăm lễ hội trên cả nước và thu hút lượng lớn khách thập phương từ khắp nơi đổ về. Lợi dụng tình huống này, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào bày bán kiếm lời. Nắm bắt tình hình này, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá đảm bảo ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mùa lễ hội.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở thành phố Uông Bí, hàng năm thu hút rất đông du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, khu di tích đã đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan, lễ phật và du xuân. Dự kiến, lượng khách đã tăng cao hơn rất nhiều khi Khai hội Xuân Yên Tử diễn ra vào ngày 7/2 (tức 10/1 âm lịch) và có thể kéo dài trong suốt những tháng đầu năm.
Do đó, để đảm bảo an toàn và tạo ấn tượng đẹp cho người dân, du khách khi tham quan, dự Lễ hội Xuân Yên Tử, Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại của các cơ sở kinh doanh trong khu di tích...
Đặc biệt, tập trung kiểm soát việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa bày bán tại lễ hội, đặc biệt kiểm tra về việc kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đồ chơi trẻ em, quà lưu niệm, các sản phẩm địa phương…
Theo ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, từ đầu năm 2025, Đội đã phối hợp với đơn vị chức năng tuyên truyền tới toàn thể các hộ kinh doanh tại khu vực Yên Tử thực hiện nghiêm việc buôn bán, kinh doanh theo đúng pháp luật. Ngoài ra, Đội đã thực hiện tuyên truyền về pháp luật trong kinh doanh thương mại tới toàn thể các hộ kinh doanh. Mặt khác, thường xuyên giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.
Tương tự, ông Lê Bảo Hạnh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết, Đội được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm soát tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô. Đây đều là những địa phương có các hoạt động chiêm bái, lễ chùa và du xuân đầu năm thu hút đông đảo người dân, du khách. Vì vậy, Đội đã xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ trực thường xuyên tại các điểm tập trung đông người như: Đền Cửa Ông - Cặp Tiên; chùa Cái Bầu; di tích văn hóa…; trong đó, ập trung kiểm soát chặt các quy định về niêm yết giá, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; kinh doanh với các mặt hàng có điều kiện; hàng cấm, hàng nhái…
Thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường trên địa bàn quản lý, đặc biệt là trong thời điểm diễn ra lễ hội xuân.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã chuẩn bị chu đáo các hoạt động vui xuân, lễ hội, sẵn sàng đón du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Những lễ hội xuân tiêu biểu ở Hà Tĩnh phải kể đến như Chùa Hương Tích, Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc), Đền ông Hoàng Mười (huyện Nghi Xuân), Đền Võ Miếu (TP. Hà Tĩnh), Đền Bà Hải (thị xã Kỳ Anh)…
Đáng lưu ý, các lễ hội này luôn tấp nập người kinh doanh dịch vụ của địa phương và thu hút một lượng lớn người kinh doanh vãng lai từ nhiều tỉnh, thành phố khác đến mang theo số lượng lớn hàng hóa như đồ ăn, đồ lưu niệm, đồ mỹ nghệ… Từ đó cũng tiềm ẩn nhiều vi phạm liên quan đến hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Do đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các lễ hội Xuân Ất Tỵ năm 2025, các đền, chùa có nhiều du khách thập phương đến tham quan, du lịch... Qua đó góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp đối với người dân và du khách thập phương về dự lễ hội. Nhìn chung, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các lễ hội xuân, đền, chùa ở Hà Tĩnh được triển khai chặt chẽ, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn cho du khách và người dân.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, với đặc thù về lịch sử, văn hóa, tỉnh Phú Thọ hiện có 315 lễ hội và thường được gắn với không gian tâm linh và thực hiện các nghi lễ mang đặc trưng riêng như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Đền Lăng Sương, lễ hội đền Du Yến…
Vì thế, để đảm bảo an toàn các hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng quán, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và Ban Tổ chức Lễ hội để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, ký cam kết tại khu vực diễn ra các Lễ hội Xuân.
Qua đó, nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm và phát sinh các hành vi cá cược ăn tiền mang tính chất cờ bạc, mê tín dị đoan, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch…
Đồng thời, tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác.
Với hệ thống lễ hội phong phú cùng điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, mỗi dịp Tết đến, Xuân sang, huyện Tam Đảo thu hút hàng vạn khách du lịch thập phương về vãn cảnh, thưởng ngoạn, hành lễ cầu may và nghỉ dưỡng. Để tạo ấn tượng đẹp trong lòng mỗi du khách, quản lý thị trường được các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm.
Những ngày này, lượng khách đổ về các điểm du lịch, tham quan trên địa bàn huyện Tam Đảo như: Khu du lịch Tam Đảo núi, khu danh thắng Tây Thiên tăng lên nhanh chóng. Chính vì vậy, các dịch vụ lễ hội như trông giữ xe, ăn uống, bán quà lưu niệm… cũng trở nên nhộn nhịp. Tại khu Khu danh thắng Tây Thiên, nhờ sự vào cuộc của lực lượng quản lý thị trường nên việc bố trí, sắp xếp, quy hoạch khu vực cho các dịch vụ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, khu trung tâm lễ hội không còn tình trạng hàng quán bày bán lộn xộn, bãi giữ xe được quy hoạch rộng rãi; hiện tượng tăng giá cao hay chèo kéo du khách sử dụng các dịch vụ thuê dép, mua hàng, viết sớ... giảm rõ rệt.
Ngoài ra, tại địa bàn phía Nam, nhiều cơ sở ăn uống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Điển hình như tại Tây Ninh xung quanh các địa điểm nổi tiếng như: Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tháp cổ Bình Thạnh... hàng quán mọc lên như nấm. Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống có đăng ký vẫn còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát, xe đẩy, gánh hàng rong bán các loại thực phẩm, nước giải khát… không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bởi vậy, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra trên địa bàn thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và huyện Gò Dầu. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm giám sát tại hầu hêt các cơ sở ăn uống nhằm tránh những sơ suất dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tạo dựng niềm tin với khách thập phương.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, các vụ buôn bán thực phẩm bẩn đã liên tiếp xuất hiện nhưng do lợi nhuận cao, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục thu gom và kinh doanh thực phẩm bẩn để trục lợi. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh mua phải thực phẩm bẩn trà trộn.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, lực lượng quản lý thị trường xác định việc đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, quản lý thị trường sẽ kết hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm minh hành vi phạm pháp nhằm đảm bảo cho người dân sử dụng thực phẩm an toàn mùa lễ hội.