Triển khai cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân

3 bước cấp 'Hộ chiếu vắc xin'

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đang triển khai quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”. Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết “Hộ chiếu vắc xin” hiển thị 11 trường thông tin, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi tiêm đã nhận, ngày tiêm, liều số, vắc xin, sản phẩm vắc xin, nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin, mã số của chứng nhận. Các thông tin bao gồm họ tên và ngày sinh sẽ kết hợp với giấy tờ định danh khác như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu. Các thông tin sẽ được ký số, mã hóa, đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo. Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới là vắc xin, loại vắc xin và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của WHO và do Liên minh châu Âu (EU) ban hành.

Lực lượng y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho chuyên gia, lao động nước ngoài tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, TX.Bến Cát

Ông Huỳnh Minh Chín nhấn mạnh hiện quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” được các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai theo 3 bước. Trước tiên, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 theo hướng dẫn tại Công văn số 8938/BYT-DP và Công văn 9438/BYT-CNTT của Bộ Y tế. Bước 2, các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với “Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19” đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành. Dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vắc xin ngừa Covid-19 với 8 loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép (AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala). Mỗi sản phẩm vắc xin được gắn 1 mã code.

Bước 3 do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định. Các ứng dụng phòng, chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vắc xin dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Hộ chiếu vắc xin giúp phục hồi kinh tế

Tính đến sáng 18-2, Bình Dương đã tiêm được hơn 5,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có hơn 2,4 triệu người tiêm mũi 1, hơn 1,8 triệu người tiêm mũi 2 và hơn 1,1 triệu người tiêm mũi 3. Với nhóm trẻ em từ 12 - 17 tuổi, đã có 337.762 người được tiêm, trong đó có 190.405 người tiêm mũi 1 và 147.357 người tiêm mũi 2.

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết “Hộ chiếu vắc xin” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế, cho phép người có “Hộ chiếu vắc xin” không phải cách ly, xét nghiệm Covid-19 (một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm Covid-19). “Hộ chiếu vắc xin” thông qua mã QR dựa vào 2 dữ liệu cơ bản là số thẻ bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR để xác thực. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm.

Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch trước mắt và lâu dài, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hai năm qua, dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhiều nước trên thế giới đã xác định việc sống chung với đại dịch vì mục tiêu bảo đảm cho cuộc sống người dân và duy trì kinh tế. “Hộ chiếu vắc xin” là biện pháp hữu hiệu phát huy tác dụng trong việc khôi phục lưu thông, phục hồi kinh tế.

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt với biến chủng Omicron. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Khi có nguy cơ dịch xảy ra phải ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch; không áp dụng giãn cách trên phạm vi rộng; các biện pháp phòng, chống dịch cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Trước mắt, các địa phương, đơn vị cần chủ động trong trạng thái “bình thường mới”, vừa phát triển kinh tế vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến sáng 18-2, Bình D ương đã tiêm được hơn 5,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có hơn 2,4 triệu người tiêm mũi 1, hơn 1,8 triệu người tiêm mũi 2 và hơn 1,1 triệu người tiêm mũi 3. Với nhóm trẻ em từ 12 - 17 tuổi, đã có 337.762 người được tiêm, trong đó có 190.405 người ti êm mũi 1 và 147.357 người tiêm mũi 2.

HOÀNG LINH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/trien-khai-cap-ho-chieu-vac-xin-cho-nguoi-dan-a265727.html