Triển khai chiến lược quốc gia đa dạng sinh học

Với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Sơn La đã triển khai chiến lược quốc gia đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuần ra bảo vệ rừng.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuần ra bảo vệ rừng.

Tỉnh Sơn La có 5 khu dự trữ bảo tồn thiên nhiên, 1 khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử, 1 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 11 danh lam, thắng cảnh. Quyết tâm bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh đã ban hành phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lồng ghép vào quy hoạch tỉnh và hệ thống quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học. Đến nay, toàn tỉnh có 12 ban chỉ đạo bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện; 202 ban chỉ đạo bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, phường, thị trấn; 2.789 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; 12 hạt kiểm lâm, 2 ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; 3 ban quản lý rừng đặc dụng, với hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm lâm đang tham gia công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Triển khai, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về đa dạng sinh học cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của ngành kiểm lâm, cán bộ cấp huyện, xã; biên soạn, phát hành trên 600 cuốn sổ tay hướng dẫn nhận dạng các loài ngoại lai xâm hại, tác hại của các loài ngoại lai xâm hại; biện pháp kỹ thuật, thực hiện cô lập, diệt trừ đối với từng loài ngoại lai xâm hại; lồng ghép đánh giá tác động đa dạng sinh học trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư; đề xuất biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực và thúc đẩy các giải pháp bảo tồn.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La có hơn 15.800 ha rừng, nằm trên địa phận 3 xã: Hua Trai, Ngọc Chiến, Nặm Păm. Hệ động vật, thực vật ở đây phong phú, đa dạng, riêng hệ thực vật, đã thống kê được 622 loài, thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, một số loài có giá trị bảo tồn cao, như: Pơ mu, du sam, thông đỏ, lan kim tuyến…

Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về bảo tồn đa dạng sinh học.

Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, cho biết: Ban Quản lý Khu bảo tồn tăng cường tuyên truyền đến nhân nhân dân về giá trị của động, thực vật quý hiếm đang sinh sống tại khu bảo tồn. Đồng thời, phối hợp chính quyền cơ sở tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát rừng; phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế ký hợp đồng với 10 lao động ở các xã: Ngọc Chiến, Nậm Păm và Hua Trai thực hiện nhiệm vụ tuần tra, theo dõi và cập nhật các đặc tính, tình hình sinh trưởng, phát triển của loài vượn đen tuyền... Phối hợp với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu thực hiện các cuộc điều tra chuyên đề, xác định các loài động, thực vật quý hiếm, đưa ra các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tiếp theo.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, ngày 3/5/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; tăng cường bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm; tăng cường bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học thông qua việc tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức người dân; lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tranh thủ, huy động các nguồn hợp tác, tài trợ ODA cho việc bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu thí điểm, triển khai áp dụng chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; tăng cường hợp tác với tỉnh Yên Bái xây dựng hành lang Khu dự trữ thiên nhiên Mường La và Mù Cang Chải, đảm bảo sự thống nhất cùng phát triển, đặc biệt trong triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn triển khai các chương trình, đề án, dự án điều tra, kiểm kê, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, xác lập chế độ phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên…; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị thực hiện điều tra, quan trắc lập báo cáo đa dạng sinh học khu vực khu bảo tồn; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hỗ trợ hoạt động bảo tồn tại các trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển động, thực vật hoang dã, giai đoạn thực hiện 2025-2030.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn và nhân dân xã Nà Bó tuần tra, bảo vệ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn và nhân dân xã Nà Bó tuần tra, bảo vệ rừng.

Với lộ trình, giải pháp cụ thể, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030, mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn; hệ thống quan trắc đa dạng sinh học của tỉnh được thiết lập đồng bộ, phù hợp với quy hoạch; 100% chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án đầu tư công thực hiện lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/trien-khai-chien-luoc-quoc-gia-da-dang-sinh-hoc-33isc8PIR.html