Triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và UBTV Quốc hội năm 2022
Hôm nay 4/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội năm 2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các phó chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Hội nghị đã nghe nội dung Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết 266/2021/UBTVQH15 ngày 5/8/2021 về Chương trình giám sát của UBTV Quốc hội năm 2022. Theo đó, có 4 chuyên đề lớn sẽ được tiến hành giám sát trong năm 2022 gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Việc thực hiện các nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.
Trên cơ sở nội dung, chương trình kế hoạch giám sát, hội nghị đã thảo luận về các giải pháp triển khai giám sát 4 chuyên đề và những khó khăn, vướng mắc, bất cập để tiếp thu kịp thời, điều chỉnh đề cương giám sát; các giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trên phạm vi cả nước trong bối cảnh COVID-19.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, xác định đây là khâu trọng yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh: Hoạt động giám sát phải xác định rất rõ mục đích, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát, để từ đó xác định được phạm vi, đối tượng và lĩnh vực trọng điểm phải tiến hành giám sát. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, các thành viên đoàn giám sát phải tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của luật cũng như yêu cầu của đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của Nhân dân, bằng nhiều kênh, trung thực, khách quan. Đồng thời cũng phải tôn trọng đối tượng giám sát, không sách nhiễu, không gây phiền hà. Đối với từng bộ, ngành, cơ quan chức năng trung ương, địa phương, cần chủ động theo kế hoạch chi tiết đã được giao, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các đoàn giám sát những vấn đề phát sinh, vấn đề liên quan.
Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đoàn giám sát phải hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Đối với từng chuyên đề giám sát, những vấn đề nào vừa qua đã có giám sát, có báo cáo thì tận dụng kết quả này và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung, cập nhật. Đồng thời cần phân công nhiệm vụ rõ ràng, có đầu mối chịu trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giám sát, đáp ứng mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi của cử tri.