Triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu nhằm phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 240.000m3/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%/năm.

Phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng trồng dược liệu lên khoảng 20.000ha; giá trị thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tăng tối thiểu 2 lần trên một đơn vị diện tích so với năm 2020; 100% diện tích trồng dược liệu được tiêu chuẩn hóa, cấp mã số và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vùng trồng.

Phấn đấu đến năm 2030, thực hiện sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp đối với khu vực phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt. Phát triển dịch vụ môi trường rừng, phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng, gây trồng và phát triển dược liệu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình…

Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; bảo tồn, phát triển, khai thác, chế biến, thương mại bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương sống gần rừng.

Phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp, mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp bền vững, hiệu quả. Thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia các dự án phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng, thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng và triển khai các quy định, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Chỉ đạo các ban quản lý rừng chủ động phối hợp kiểm tra, rà soát vị trí, đo đạc diện tích, kê khai hiện trạng sử dụng đất, đăng ký đất đai của đơn vị để trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định…

(PYP)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/317371/trien-khai-de-an-phat-trien-gia-tri-da-dung-cua-he-sinh-thai-rung.html