Triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Quý I/2023, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 12 người và làm bị thương 17 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 5 vụ (giảm 21%); giảm 4 người chết (giảm 25%). Kết quả đó là sự nỗ lực đồng bộ, hiệu quả từ nhiều phía. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng TNGT cần sớm có giải pháp xử lý hiệu quả.

Cụ thể, trên tuyến đường bộ xảy ra 18 vụ TNGT, làm chết 11 người, bị thương 17 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 6 vụ (giảm 25%); giảm 5 người chết (giảm 31%); số người bị thương không tăng, không giảm; TNGT đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra. Qua phân tích TNGT cho thấy, trên tuyến quốc lộ xảy ra 14 vụ và khu vực nội thị 4 vụ; phương tiện gây ra TNGT do ô tô 10 vụ và xe mô tô 8 vụ.

Trên tuyến đường sắt xảy ra 1 vụ TNGT và làm chết 1 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 1 vụ và tăng 1 người chết. Trên tuyến đường thủy nội địa không xảy ra vụ TNGT nào.

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao trách nhiệm; siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT; triển khai thực hiện nghiêm túc Năm An toàn giao thông 2023... Vì vậy, quý I/2023, TNGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm sâu về số vụ và số người chết.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh.

Sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị thể hiện ở sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện của các ngành, đơn vị, địa phương có nhiều đổi mới, chủ động, sát thực tiễn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Hiện tại, kết cấu hạ tầng giao thông được chính quyền các cấp đầu tư, xây dựng, sửa chữa đồng bộ, chất lượng; hành lang ATGT cơ bản không bị lấn chiếm, che khuất; công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát được thực hiện bài bản, có hệ thống, xử lý nghiêm các vi phạm. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT ở từng cơ quan, trường học, khu dân cư có nội dung phù hợp đối tượng, lứa tuổi và hình thức tuyên truyền phong phú, dễ hiểu, qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân.

Bên cạnh đánh giá kết quả đạt được, Ban ATGT tỉnh cũng thẳng thắn nhận định: Mặc dù TNGT giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

Biểu hiện cụ thể, như: Ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của một số tổ chức và cá nhân còn hạn chế, mang tính đối phó, do đó, vẫn tồn tại các vi phạm (nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, chuyển hướng, tránh, vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm hành lang ATGT...).

Đáng chú ý, tình trạng thiếu niên điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng một bộ phận lái xe, chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải chưa tuân thủ nghiêm túc quy định về kiểm soát tải trọng xe, chở quá tải trọng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn.

Các hành vi vi phạm này tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi và thường diễn ra khi tham gia giao thông trên tuyến giao thông nông thôn, đường tỉnh, tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A và 12C...

Ngoài ra, hiện có nhiều tuyến đường qua thời gian khai thác đã bị hư hỏng, xuống cấp. Nhưng nguồn kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa, kinh phí chi phục vụ, khắc phục các điểm tiềm ẩn mất ATGT còn hạn chế, chưa đáp ứng thực tế việc duy tu, sửa chữa đoạn, điểm đường bị hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, việc có nhiều khu đô thị, dân cư mới hình thành cùng với sự gia tăng rất lớn của số lượng người và phương tiện tham gia giao thông, nhu cầu vận tải tăng cao... làm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Để góp phần khắc phục một số vấn đề nói trên, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm huy động mọi nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là xử lý các điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra TNGT, điểm đen giao thông, nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ ủy thác và tuyến đường tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp nhằm bảo đảm thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, cần sớm đầu tư mở rộng cầu Gianh, cầu Quán Hàu trên Quốc lộ 1.

Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương triển khai hiệu quả các mặt công tác về bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện...

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Ban ATGT tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia; tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn theo kế hoạch đề ra của năm 2023.

Về thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, ông Lê Văn Thủy, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Cần tiếp tục đặt công tác tuyên truyền, giáo dục lên hàng đầu. Trong đó, lưu ý các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương và cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở cần tăng cường thời lượng, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đổi mới phương pháp tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ đúng pháp luật; xây dựng tốt văn hóa giao thông, kêu gọi ủng hộ chung tay và hưởng ứng tích cực của cả cộng đồng, sự đồng thuận của nhân dân.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, áp dụng mức cao nhất trong xử phạt đối với lái xe vi phạm quy định, nhất là về nồng độ cồn, ma túy, an toàn kỹ thuật, xe chở quá tải trọng... Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, cần tiếp tục tăng cường các lực lượng khác, như: Cảnh sát trật tự, cơ động, Công an xã, phường, thị trấn tham gia tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT.

Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải và kết nối đa phương thức; tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử phạt vi phạm trật tự ATGT. Các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải và công tác bảo trì công trình giao thông; xử lý các vấn đề liên quan đến hành lang an toàn đường bộ; thường xuyên rà soát, kiến nghị, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn có nguy cơ gây mất ATGT; công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện tiếp tục được quan tâm thực hiện...

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202304/trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-keo-giam-tai-nan-giao-thong-2208349/