Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng thu ngân sách
Ngoại trừ một số khoản tăng thu đột biến phát sinh thì thu ngân sách nội địa của Hà Tĩnh trong 7 tháng năm 2023 vẫn đạt thấp so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, 7 tháng năm 2023, đơn vị thu ngân sách được hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch năm HĐND tỉnh giao (8.000 tỷ đồng) và đạt 89% so với cùng kỳ năm 2022 (5.550 tỷ đồng). Trong đó, tiền sử dụng đất 800 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch năm HĐND tỉnh giao. Nếu trừ tiền sử dụng đất, tổng thu thuế, phí đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tổng thu thuế, phí 7 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ là nhờ phát sinh một số khoản thu đột biến ngoài dự kiến. Khoản thu đột biến này bao gồm 1.530 tỷ đồng thu từ khu vực đầu tư nước ngoài (cụ thể là truy thu sau thanh tra, thuế nhà thầu, thuế GTGT của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh).
Ngoài ra, 7 tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh còn thu một số khoản như: nợ ngoài quốc doanh những năm trước (110 tỷ đồng), cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam (30 tỷ đồng), thu hồi đất trồng lúa đền bù cao tốc Bắc - Nam (80 tỷ đồng), thu hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đền bù cao tốc Bắc - Nam (10 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Ngọc Du - Trưởng phòng Nghiệp vụ, dự toán, pháp chế (Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Không kể các khoản tăng thu đột biến thì số thu nội địa có xu hướng giảm do hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án đã triển khai như: dự án bia của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh, dự án Nhà máy Sản xuất pin VinES của Tập đoàn Vingroup, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2… đến nay vẫn chưa đóng góp nguồn thu như kỳ vọng. Bên cạnh đó, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ, miễn giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế cũng tác động làm giảm thu ngân sách của ngành thuế trong 7 tháng qua”.
Trong bối cảnh kinh tế còn chịu tác động nghiêm trọng của hậu dịch bệnh COVID-19, để hoàn thành mục tiêu 8.000 tỷ đồng mà HĐND tỉnh giao, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh xác định nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, nhiều sắc thuế còn đạt kết quả thấp như: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước (đạt 45% kế hoạch HĐND tỉnh giao); thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 37% kế hoạch HĐND tỉnh giao); thu lệ phí trước bạ (đạt 39% kế hoạch HĐND tỉnh giao); thu tiền sử dụng đất (đạt 44% kế hoạch HĐND tỉnh giao). Đặc biệt, một số huyện như: Nghi Xuân, Đức Thọ, Lộc Hà, dù đã qua hơn nửa chặng đường năm 2023 nhưng thu ngân sách vẫn chưa đạt 40% dự toán HĐND tỉnh giao.
Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, 4 tháng cuối năm, đơn vị tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tăng thu ngân sách. Trong đó, ngành tăng cường công tác quản lý nợ, đôn đốc thu hồi nợ thuế và các khoản thuế được gia hạn đến hạn nộp vào NSNN; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt và các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành thuế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phối hợp để triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nội địa năm 2023 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Các địa phương cần kịp thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm quản lý, khai thác tốt các nguồn thu theo quy định của pháp luật, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán, thu ngân sách năm 2023 được giao.