Triển khai dự án điện gió: Chậm tiến độ, nhà đầu tư lo không được hưởng chính sách giá điện

Ngày 1/11 tới đây, chính sách giá điện đối với các dự án điện gió trong đất liền (giá FIT 8,5 UScents/kWh) quy định tại Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ sẽ hết hiệu lực. Trong khi thời gian tính từng ngày thì tình hình thực tế cho thấy, không ít trường hợp chủ đầu tư rất khó đưa các nhà máy điện gió vào vận hành thương mại (COD) đúng thời hạn.

Triển khai dự án điện gió

Riêng tại Bình Thuận, thời gian qua chủ đầu tư các dự án điện gió luôn nỗ lực hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai thi công để hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành phát điện thương mại. Thế nhưng từ đầu năm 2021, dịch Covid -19 tái bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành trong nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao, trong đó có Bình Thuận. Tác động tiêu cực của đại dịch đã ảnh hưởng đến việc thi công các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, nhất là về tiến độ cung cấp tua bin gió. Bởi thiết bị này chủ yếu nhập từ nước ngoài nhưng gặp hạn chế về chuyến bay, cách ly nhập cảnh chuyên gia giám sát của nhà thầu cung cấp thiết bị… Mặt khác khâu vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng cũng gặp khó khăn do giãn cách xã hội, trong khi các cảng chuyên dùng vận chuyển thiết bị điện gió như Cam Ranh, Vũng Tàu, Vĩnh Tân… thì quá tải. Thêm vào đó, sự lo ngại rủi ro lây lan dịch Covid - 19 từ công nhân làm hạn chế việc huy động lực lượng lao động có chuyên môn, vì thế tiến độ thực hiện dự án bị chậm lại.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn Bình Thuận có 8 dự án điện gió với tổng công suất 355,6 MW đang triển khai đầu tư, thi công xây dựng, đồng thời gửi hồ sơ đăng ký thử nghiệm COD cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tính riêng Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận có 6 dự án của hội viên trong giai đoạn thi công với tổng công suất khoảng 165,4 MW và cũng đã gửi hồ sơ đăng ký thử nghiệm COD cho EVN… Dù rất nỗ lực, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid - 19 nên một số dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đứng trước khả năng không kịp hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành phát điện trước ngày 1/11/2021 để được hưởng chính sách giá điện như trên.

Liên quan cơ chế giá điện, Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng và một số chủ đầu tư dự án điện gió khác từng kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện. Trong tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản gởi cấp thẩm quyền về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn Bình Thuận. Theo đó kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giá điện (giá FIT 8,5 UScents/kWh) đối với các dự án điện gió trong đất liền đến hết tháng 3/2022. Trong đó xem xét ưu tiên gia hạn giá điện gió đối với các dự án đã và đang triển khai thi công xây dựng, đã ký hợp đồng mua bán điện và đã thực hiện đăng ký thử nghiệm COD theo quy định…

Kiến nghị gia hạn đến giữa năm 2022

Còn theo Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, nếu các dự án không kịp đóng điện, vận hành trước ngày 1/11/2021 sẽ gây thiệt hại rất lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản đối với nhà đầu tư… Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, xây dựng các dự án điện gió của hội viên, mới đây Hiệp hội kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét gia hạn giá điện (giá FIT 8,5 UScents/kWh) đối với các dự án điện gió trong đất liền tại Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 30/6/2022.

QUỐC TÍN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/trien-khai-du-an-dien-gio-cham-tien-do-nha-dau-tu-lo-khong-duoc-huong-chinh-sach-gia-dien-142421.html