Triển khai gói 62 nghìn tỷ đồng: Ứng dụng công nghệ thông tin để tiền nhanh đến tay dân
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong đợt hỗ trợ gói an sinh xã hội. Qua đó, vừa thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện vừa xây dựng cơ sở dữ liệu của nhiều đối tượng khác nhau trên toàn quốc.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội có phạm vi bao phủ lên tới 20 triệu người, số người được thụ hưởng từ chính sách lớn, trong khi áp lực về tiến độ triển khai đang là bài toán không dễ cho các Bộ, ngành và địa phương.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, để thúc đẩy triển khai nhanh việc hỗ trợ, quá trình thực hiện sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin.
Theo ông Quân, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang đề nghị các tỉnh thành thanh toán tiền hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội qua bưu điện, qua ngân hàng, tránh thanh toán trực tiếp.
Đối với một số thủ tục, Bộ cũng đề nghị các đơn vị tạo điều kiện cho người dân, không nên bắt người dân đến trực tiếp, chỉ cần gửi qua bưu điện hoặc email.
Chẳng hạn, đối với đối tượng lao động bị chấm dứt hợp đồng, đủ điều kiện làm thủ tục thất nghiệp, theo ông Quân hồ sơ có thể gửi đến các Trung tâm dịch vụ việc làm, mà không nhất thiết phải đến trình diện hàng tháng.
Đối với đối tượng NLĐ tạm hoãn hợp đồng, mất việc làm không được nhận lương, các hồ sơ, thủ tục sẽ do DN tập hợp gửi đến chính quyền địa phương xác nhận. Khi đủ điều kiện, ngân hàng sẽ chuyển khoản trực tiếp qua tài khoản của NLĐ.
Theo ông Quân, hiện thời gian triển khai đang gấp nên việc hỗ trợ cần phải đảm bảo nhanh, chính xác, từ khi người dân nộp hồ sơ cho đến khi nhận được tiền đảm bảo tối đa trong khoảng 7-10 ngày.
Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Bưu điện Việt Nam cho biết, trong 6 trụ cột an sinh xã hội, Bưu điện Việt Nam đã thực hiện chi trả 5 trụ cột, nên các hệ thống đã sẵn sàng tham gia hỗ trợ cho người dân thuộc các đối tượng trong Nghị quyết 42.
Hiện, đơn vị này đã xây dựng xong phần mềm hỗ trợ việc chi trả. Các tỉnh, thành muốn thực hiện chỉ cần cho phép áp dụng nữa là triển khai.
Theo đó, người dân chỉ cần đăng nhập vào hệ thống để đăng ký điện tử. Sau đó, căn cứ vào các tiêu chí của các đối tượng, phần mềm sẽ lọc ra kết quả danh sách bao gồm toàn bộ người dân đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Cơ quan nhà nước có thể nắm bắt được số người được hỗ trợ cập nhật theo từng giờ, từng nhóm đối tượng, từng khu vực (xã, huyện, tỉnh, thành phố…). Sau khi có được danh sách, các đơn vị có thể phối hợp với ngân hành gửi tiền hỗ trợ qua tài khoản của người dân. Trường hợp ai chưa có tài khoản, có thể mở tài khoản online trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể đề nghị các ngân hàng thương mại không thu phí chuyển, rút tiền đối với khoản hỗ trợ này. Còn với người dân muốn nhận tiền trực tiếp, có thể ra bưu điện nhận tiền.
Với ứng dụng này, Bà Hương cho rằng, cơ quan nhà nước sẽ giảm được nhiều công sức và thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hỗ trợ. Còn với người dân, sẽ giảm bớt các thủ tục không cần thiết. Ngoài ra, việc đăng ký có sự nhận diện hình dạng, số chứng minh thư nhân dân, các thông tin cá nhân…phần mềm sẽ giúp việc hỗ trợ tránh được sự trùng lắp, trục lợi, đảm bảo nguyên tắc minh bạch như tinh thần Nghị quyết 42.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ thục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương lựa chọn dịch vụ công trực tuyến trên cổng điện tử quốc gia để hỗ trợ cho các đối tượng trong gói an sinh xã hội. Hiện, các đơn vị xây dựng xong quy trình, và đang viết phần mềm. Dự kiến tuần đầu tháng 5 sẽ đưa vào triển khai.