Triển khai hiệu quả bảo hiểm xã hội tự nguyện xã, phường

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện mô hình BHXH tự nguyện xã, phường điểm năm 2021 và triển khai công tác BHXH tự nguyện năm 2022. Nhiều cách làm hay, nhiều kết quả tích cực về phát triển mô hình BHXH tự nguyện đã được ghi nhận.

Nhiều cách làm hay

Theo BHXH TP. Hà Nội, năm 2021, có 63.304 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 14.630 người so với năm 2020 và đạt 100,21% kế hoạch; toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.

Theo báo cáo của BHXH TP. Hà Nội, trong năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan; số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với thời điểm hết năm 2020.

Trong đó, nổi bật là mô hình xã điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được UBND 30 quận, huyện thành lập từ tháng 6.2021. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, các xã điểm đã có những cách làm hay, hiệu quả. Điển hình như thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ đã sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Theo đó, các tuyên truyền viên sử dụng xe máy có gắn loa đi từng ngõ ngách, thôn xóm để tuyên truyền về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, kết hợp phát tờ rơi, nên trong thời gian giãn cách vẫn gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Tại huyện Ba Vì, UBND xã Vạn Thắng đã phân công, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tới từng thành viên Ban Chỉ đạo, đưa kết quả vào chỉ tiêu đánh giá cuối năm của xã; đồng thời, cử cán bộ kết hợp với các hội, đoàn thể và các thôn tuyên truyền cho các tiểu thương ở chợ, người bán hàng tạp hóa; đến từng hộ kinh doanh cá thể, gia đình có nghề phụ có từ 5 - 10 lao động để tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật về lao động; vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Trong khi đó, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì chú trọng thực hiện tốt công tác phối hợp, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình giữa 3 bên, bao gồm, BHXH huyện, UBND xã, Bưu điện huyện trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ban Chỉ đạo xã cũng tích cực vận động một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn hỗ trợ thêm kinh phí mua thẻ BHYT; tham gia BHXH tự nguyện cho một số người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài các xã điểm, còn có các mô hình đại lý thu BHXH, BHYT triển khai tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Giám đốc bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa trao Giấy khen của bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội cho các tập thể

Giám đốc bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa trao Giấy khen của bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội cho các tập thể

Nguồn: ITN

Phát triển BHXH tự nguyện bền vững

Tại Hội nghị Tổng kết, các đại biểu đã được nghe tham luận về công tác phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của một số địa phương và cá nhân. Đồng thời, thảo luận về phương hướng và giải pháp thực hiện trong năm 2022. Theo đó, đa số đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần chú trọng công tác giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến từng UBND xã, phường, thị trấn và đại lý thu; triển khai, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các giải pháp của xã điểm để nhân rộng, bảo đảm tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, hoàn thành chỉ tiêu hàng năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, thông qua mô hình 30 xã điểm phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn đã cho thấy sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền các địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Vì vậy, những mô hình này cần tiếp tục được nhân rộng và biến đổi hơn nữa theo từng thế mạnh của các địa phương, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, từ năm 2022, các chỉ tiêu về BHXH tự nguyện của Hà Nội sẽ tăng cao, trong khi đó, mức hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng có khả năng giảm dần. Chính vì vậy, việc thực hiện theo mô hình điểm là một trong những điểm sáng và hướng đi mới, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển BHXH tự nguyện tại các địa phương. Từ những kết quả đã đạt được, dự kiến năm 2022 sẽ có khoảng 100.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, đã có 63.000 người tham gia. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục duy trì và phát triển mới 37.000 người.

Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, theo ông Nguyễn Đức Hòa, BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp xã, đặc biệt là các xã điểm để đánh giá, xác định những hạn chế, tồn tại, từ đó, có giải pháp khắc phục. Đồng thời, mở rộng mô hình xã điểm với những cách làm hay, sáng tạo, trong đó, có thể một quận, huyện tăng thêm số lượng xã điểm lên 2 hoặc 3. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng cường hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tăng cường ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền chính sách...

Kim Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/trien-khai-hieu-qua-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-xa-phuong-swb46k0ncs-81303