Triển khai hiệu quả công cụ quản lý nhà nước về cạnh tranh

Thực thi quy định của pháp luật cạnh tranh, Bộ Công Thương đã triển khai có hiệu quả công cụ quản lý nhà nước nhằm từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh.

Pháp luật phù hợp với xu thế hội nhập

Luật Cạnh tranh năm 2004 được ban hành là dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, Bộ Công Thương đã nhận thấy những hạn chế, bất cập của Luật Cạnh tranh năm 2004 và chủ động nghiên cứu, đề xuất định hướng sửa đổi nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng những thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập trong nội dung quy định.

Từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh

Từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh

Luật Cạnh tranh năm 2018 được xây dựng trên cơ sở có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi, có những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; sửa đổi và bổ sung hành vi cấm đối với cơ quan nhà nước; hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi; bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền; thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế; hoàn thiện quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi; và hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh.

Những thay đổi nêu trên trong Luật Cạnh tranh 2018 đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế; khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Cạnh tranh 2004; đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh.

Để phổ biến Luật Cạnh tranh đến đông đảo người dân và ngày càng phát huy vai trò đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh: Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ về việc kiện toàn mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thành lập trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) và Hội đồng Cạnh tranh. Ủy ban sẽ tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Công Thương và được tổ chức, hoạt động theo hướng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên cả ba lĩnh vực: Cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh

Thực thi theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, Bộ Công Thương đã triển khai có hiệu quả công cụ quản lý nhà nước nhằm từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh. Cụ thể, đối với công tác điều tra và xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền), Cục CT&BVNTD đã chủ động tiến hành điều tra tiền tố tụng đối với nhiều thị trường, lĩnh vực có tính chất nhạy cảm trong nền kinh tế cũng như nhiều vụ việc có dấu hiệu của hành vi hạn chế cạnh tranh. Tính đến hết năm 2017, Cục đã tiến hành 82 cuộc điều tra tiền tố tụng để thu thập, đánh giá các thông tin, tài liệu về các hoạt động kinh doanh có biểu hiện hạn chế cạnh tranh. Xét theo dạng hành vi, có 40 vụ việc liên quan đến quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (chiếm 49% trong tổng số), 39 vụ việc liên quan đến quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền (chiếm 48%) và 3 vụ việc liên quan đến hành vi tập trung kinh tế bị cấm (3%).

Xét theo nhóm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cho thấy 82 vụ việc điều tra tiền tố tụng được thực hiện trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, nhưng tập trung chủ yếu trong các ngành như: Sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, điện lực, viễn thông, giải trí, nông sản và vật tư nông nghiệp…

Cục CT&BVNTD đã tổ chức điều tra 8 vụ việc hạn chế cạnh tranh với gần 70 doanh nghiệp bị điều tra, trong đó đã chuyển 6 hồ sơ vụ việc sang Hội đồng Cạnh tranh để xử lý theo quy định của pháp luật, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng.

Đối với việc kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT), tính đến hết năm 2018, Cục đã thụ lý 41 vụ việc thông báo TTKT và nhiều vụ việc tham vấn khác cả trước và trong quá trình các doanh nghiệp thực hiện TTKT. Về điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đến hết năm 2018, Cục đã tiếp nhận hơn 360 khiếu nại, tiến hành điều tra hơn 200 vụ và ra quyết định xử phạt khoảng 190 vụ đã điều tra.

Từ năm 2018 đến nay (theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018) Cục CT&BVNTD đã tiếp nhận và thụ lý trên 55 vụ việc thông báo TTKT. Trong năm 2019, Cục đã điều tra và ban hành quyết định xử phạt đối với 4 vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới hình thức chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh 1 vụ với tổng số tiền phạt là 261,25 triệu đồng.

Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ về việc kiện toàn mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thành lập trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng Cạnh tranh.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trien-khai-hieu-qua-cong-cu-quan-ly-nha-nuoc-ve-canh-tranh-157013.html