Triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN-KCX
Chiều 26/10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX đến năm 2020 (gọi tắt đề án 404).
Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, lãnh đạo Vụ GD Mầm non (Bộ GD-ĐT), lãnh đạo Sở GD-ĐT, các cơ sở GD mầm non tại 20 tỉnh, thành tham gia đề án.
Số cơ sở độc lập, tư thục không phép giảm mạnh
Tại hội nghị, đại diện Vụ GD Mầm non đã trình bày tóm tắt về kết quả sau 5 năm thực hiện đề án 404. Theo đó, ngành GD từ trung ương đến địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai thực hiện Đề án theo đúng lộ trình. Số nhóm, lớp độc lập tư thục được kiện toàn, thành lập mới vượt xa so với mục tiêu đề ra của đề án với 1.383 nhóm/500 nhóm, vượt 833 nhóm.
Các địa phương ở địa bàn có KCN đã quan tâm đến quy hoạch, xây dựng cơ sở GDMN, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Cụ thể, số trường mầm non của 20 tỉnh tham gia đề án tăng lên 972 trường công lập và ngoài công lập) trong đó, nhiều trường được xây dựng phục vụ con công nhân.
Số cơ sở độc lập, tư thục hoạt động không phép giảm mạnh (giảm 2.538 nhóm). Ngoài ra, nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù, góp phần giải quyết khó khăn về trường lớp mầm non dành cho con công nhân làm việc ở KCN.
Huy động được sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân tham gia phát triển GDMN: số trường MN ngoài công lập tăng 866 trường, chiếm 73% số trường ngoài công lập toàn quốc. Số cơ sở độc lập tư thục ở 20 tỉnh tăng nhanh theo từng năm học, chiếm 65% số cơ sở độc lập tư thục trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, trong đó có nhiều chính sách đối với GDMN ở địa bàn KCN.
Thực tế qua quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn như, đến nay, còn 4/20 tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất. Số lượng nhóm trẻ được hỗ trợ còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhóm trẻ do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế. Kinh phí trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục phần lớn ở mức thấp. Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Điều kiện cơ sở vật chất và năng lực giáo viên ở một số nhóm trẻ độc lập, tư thục còn hạn chế… Vẫn còn tồn tại nhóm, lớp độc lập, tư thục hoạt động khi chưa được cấp phép hoặc số trẻ trong cơ sở vượt quá quy định ở một vài địa phương (325 cơ sở/10 tỉnh, TP).
Tại hội nghị, Vụ GD Mầm non đưa ra phương hướng để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được nói trên trong thời gian tới như: củng cố, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhóm trẻ đã được Đề án hỗ trợ, kiện toàn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập.
Tổ chức triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển GDMN, đặc biệt là các chính sách đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp.
Xây dựng Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở GDMN độc lập theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Phối hợp với các Bộ liên quan đề xuất một số nội dung ưu đãi về chính sách xây dựng cơ sở vật chất, đất đai, thuế, tín dụng đối với GDMN ở địa bàn có KCN. Tiếp tục công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ.
Ngành GD phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, ban ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng.
Địa phương quan tâm trực tiếp đến con em công nhân thỏa đáng hơn
Các đại biểu tham dự hội nghị đã nghe chia sẻ của các tỉnh, thành, cơ sở GD thực hiện hiệu quả đề án 404 như Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, Sở GD-ĐT Đồng Nai, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, Trường MN Hoa Hồng cơ sở 2-Khu công nghiệp Khai Giang (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Trường MN Vàng Anh (Bình Dương), Tập đoàn Phong Thái (Đồng Nai), Trường MN Đồng Xanh (huyện Nhà Bè, TP.HCM)…
Bên cạnh đó, các đại biểu từ các tỉnh thành tham gia đề án cũng đã nêu lên những khó khăn trong quá trình thực hiện đề án và có những kiến nghị, đề xuất với Bộ GD-ĐT.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, đề án 404 giai đoạn 2015-2020 đã khép lại, nhưng các cơ sở GD cần tiếp tục thực hiện các phương hướng mà Bộ GD-ĐT đề ra, trên cơ sở bám sát Nghị định 105 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển GD mầm non ban hành ngày 8/9/2020.
Trên cơ sở Luật Giáo dục sửa đổi 2019, Nghị định 105, Luật trẻ em 2016, ngành cần tham mưu quyết liệt cho địa phương quan tâm trực tiếp đến con em công nhân một cách thỏa đáng hơn.
Cần có kế hoạch cụ thể để tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc tập huấn, bồi dưỡng, học tập nâng chuẩn đúng theo quy định của lộ trình, vừa đảm bảo thực hiện theo các cơ sở pháp lý về những chính sách hỗ trợ. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, phải có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, trách nhiệm, tâm huyết với trẻ…
Ngành cần chú trọng hơn nữa đến việc tạo sân chơi, tăng cường vận động, đảm bảo vệ mặt thể chất, góp phần phát triển toàn diện đức, trí, thể, mĩ... Tiếp tục quan tâm đến cơ sở vật chất, trong đó lưu ý đến nâng cao hiệu quả công trình vệ sinh, nước sạch ở các cơ sở GD.
Từ Nghị định 105, cần nghiên cứu kĩ để có những giải pháp nhằm tăng thu nhập, giảm giờ làm, giảm áp lực cho giáo viên… Tùy điều kiện của từng địa phương cần chủ động linh hoạt tham mưu để tháo gỡ về quỹ đất phù hợp, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, trẻ mầm non....
Dịp này Bộ GD-ĐT cũng đã trao tặng bằng khen cho 16 tập thể và những cá nhân xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 404.