Triển khai hiệu quả Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số

Việc tổ chức các ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn trong việc tạo cầu nối, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh, nguồn lực để phát triển nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc.

 Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc - Lạng Sơn tháng 11/2024

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc - Lạng Sơn tháng 11/2024

Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với số dân trên 14 triệu người. Văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam rất đa dạng và là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau nhanh chóng xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng DTTS, gây ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới văn hóa truyền thống, đáng chú ý là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng lớn.

Triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các DTTS theo khu vực và toàn quốc.

Việc triển khai đã đạt được những thành công nhất định, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, đặc biệt là các DTTS rất ít người nói riêng; xây dựng, tăng cường các hoạt động văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; phát huy vai trò chủ thể văn hóa; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch các địa phương.

Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái năm 2024

Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái năm 2024

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện ở từng địa bàn, từng vùng, được các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương và đặc biệt là đồng bào các dân tộc hoan nghênh, đồng thuận và tích cực tham gia. Có thể kể đến: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); Ngày hội, giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc: Mông, Dao, Thái, Hoa, Mường, Chăm, Khmer...; Giao lưu văn hóa mang tính chuyên đề như Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính; Ngày hội trình diễn cây nêu; Giao lưu văn hóa, nghệ thuật vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia...

Việc tổ chức Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS gắn với hoạt động thông tin, tuyên truyền quảng bá, kiểm kê, lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đã góp phần to lớn trong việc tạo một môi trường văn hóa lành mạnh, giúp cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được trao đổi với nhau từ phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục đến các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ…

Sự hiểu biết này chính là cầu nối, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh, nguồn lực để phát triển nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, góp phần xây dựng bản, làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: "Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các DTTS theo từng khu vực đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều giá trị văn hóa DTTS đã được tôn vinh, bảo tồn, phát huy; nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một đã được phục dựng, bảo tồn. Cũng thông qua các Ngày hội, các hoạt động văn hóa DTTS đã được giới thiệu đến bạn bè quốc tế về giá trị di sản văn hóa độc đáo, phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thông qua Ngày hội góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn trong thế hệ trẻ về giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào các DTTS".

Hoạt động trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 (tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội năm 2024)

Hoạt động trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 (tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội năm 2024)

"Các Ngày hội là hoạt động nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới của đất nước về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thông qua việc định kỳ tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy giá trị di sản và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng" - bà Vũ Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc cho biết.

Giải pháp trong giai đoạn mới

Thông qua các hoạt động của Ngày hội, giao lưu đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, lòng yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc. Đặc biệt, từ các hoạt động của Ngày hội, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu, rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn trong việc tổ chức các Ngày hội như: Kinh phí tổ chức các hoạt động còn hạn hẹp; sự phối hợp tổ chức giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia Ngày hội đôi khi còn chưa chặt chẽ; một số địa phương còn lúng túng trong xây dựng các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, giao lưu…

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung, để công tác tổ chức Ngày hội đạt được hiệu quả mong muốn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần chú trọng các vấn đề như: Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài; bảo tồn làng, bản, buôn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; định kỳ tổ chức các liên hoan, ngày hội, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS theo từng vùng, miền và từng dân tộc; tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các đề án, dự án liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS...

Đặc biệt, chú trọng việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó ưu tiên Dự án số 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch".

Hà Nhân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trien-khai-hieu-qua-ngay-hoi-van-hoa-the-thao-va-du-lich-cac-dan-toc-thieu-so-20241210204645255.htm