Triển khai kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan
Việc giảm phát thải khí metan được cho là một trong những phương án ít tốn kém nhất để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong ngắn hạn và cải thiện nhanh chất lượng không khí.
Ở nước ta, khí metan phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi, đốt sinh khối (rơm, rạ), bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu (than, dầu và khí).
Để tăng hiệu quả thực hiện giảm phát thải khí metan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, với 6 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức; tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực; giám sát, đánh giá.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 về Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam nỗ lực giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ), giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí metan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.
Những năm qua, Việt Nam tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vừa thể hiện vai trò và trách nhiệm của quốc gia tham gia vào nỗ lực đạt mục tiêu Thỏa thuận Paris, qua đó ngăn ngừa diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu toàn cầu, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe người dân; vừa phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Theo báo cáo hàng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mang tên “Theo dõi khí metan toàn cầu”, trong năm 2022 ngành năng lượng phát thải khoảng 135 triệu tấn khí metan, gần bằng mức kỷ lục ghi nhận năm 2019, trong khi giá năng lượng cũng như nhu cầu khí thiên nhiên tăng cao giúp cung cấp thêm nguồn lực cho việc thu giữ khí metan.
Metan là thành phần chính của khí thiên nhiên, do đó khí metan thu được có thể được bán như một loại nhiên liệu. Khí metan góp phần gây ra khoảng 30% mức tăng nhiệt toàn cầu kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Hiện ngành sản xuất năng lượng chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải metan từ hoạt động của con người, chỉ sau ngành nông nghiệp.
Việc giảm phát thải khí metan được cho là một trong những phương án ít tốn kém nhất để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong ngắn hạn và cải thiện nhanh chất lượng không khí./.