Triển khai kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên

Triển khai kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Đây là một kỹ thuật hết sức cần thiết và quan trọng đối với việc điều trị các bệnh lý về mạch máu ngoại biên và đặc biệt là hoại tử chi do biến chứng của bệnh lý tiểu đường hay thường gặp tại bệnh viện. Nhờ kỹ thuật này, sẽ giúp cho bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị hiện đại và hạn chế phải cắt bỏ chi, gây tàn phế suốt đời.
Bệnh mạch máu ngoại biên (bệnh mạch máu ngoại vi) xảy ra khi thành mạch tại đây bị tổn thương, có những mảng xơ vữa hoặc huyết khối làm tắc nghẽn, cản trở quá trình vận chuyển máu giàu oxy đến các chi và có thể ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu cho vùng đầu. Thông thường bệnh mạch máu ngoại vi sẽ làm tổn thương tại động mạch ở vùng tiểu khung, chân và bàn chân. Mặc dù không bao gồm các tổn thương ở động mạch cảnh (động mạch đưa máu lên não) hay động mạch vành (động mạch đưa máu đến tim) nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Bác sỹ chuyên khoa 1 Thạch Khuôn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Với những người gặp phải tình trạng xơ vữa mạch máu ngoại vi với các biểu hiện điển hình như: chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân khi đi bộ, leo cầu thang hoặc dồn sức… thì nên nhanh chóng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”.