Triển khai Luật Căn cước 2023: Tạo mọi điều kiện cho người dân có nhu cầu đổi căn cước

Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Đây là đạo luật tác động rộng tới đời sống người dân, có nhiều điểm mới khi áp dụng vào thực tế. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an) về vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới nào đáng chú ý khi đi vào cuộc sống?

- Thiếu tướng PHẠM CÔNG NGUYÊN: Luật Căn cước năm 2023 đã bổ sung, quy định một số điểm mới cơ bản, như bổ sung quy định về căn cước điện tử. Theo đó, mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử. Ngoài ra, trong luật cũng quy định việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân (ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, như thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…) vào thẻ căn cước và căn cước điện tử theo đề nghị của người dân. Cùng với đó, luật quy định về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ.

Luật Căn cước mới cũng quy định về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đang sinh sống tại Việt Nam. Một điểm mới, nhận được sự quan tâm của người dân là điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư. Theo đó, sẽ lược bỏ thông tin vân tay được in trên thẻ (thông tin này sẽ được lưu trữ trong chip); sửa đổi thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành “số định danh cá nhân”, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

 Thẻ CCCD gắn chip có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ

Thẻ CCCD gắn chip có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ

* Hiện nay, đã có hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp trên cả nước. Với thẻ căn cước được gắn chip hiện đại này, sau khi luật mới có hiệu lực, người dân có phải làm lại căn cước không?

Sau khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành thì người dân không phải đi làm lại thẻ căn cước, vì Luật Căn cước năm 2023 chỉ quy định điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

* Khi người dân có nhu cầu đổi thẻ căn cước, họ sẽ được tạo điều kiện ra sao?

- Những công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân vẫn tiếp tục sử dụng thẻ này cho đến khi hết hạn sử dụng được ghi trong thẻ. Trường hợp công dân muốn đổi sang thẻ căn cước thì sẽ được cơ quan quản lý căn cước cấp đổi theo quy định tại điều 24, điều 38 Luật Căn cước năm 2023. Thủ tục cấp thẻ rất đơn giản, không gây phiền hà cho người dân.

* Thưa ông, tính năng bảo mật giữa thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước có gì khác nhau? Mức độ bảo mật ở thẻ căn cước mới đến đâu để chống làm giả?

- Hiện nay, cả thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước đều được thiết kế, sản xuất bảo đảm tính bảo mật, bảo an cao, rất khó để làm giả. Công nghệ triển khai trên thẻ căn cước tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật của thế giới (tiêu chuẩn ICAO), đảm bảo thẻ không thể bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ. Việc khai thác dữ liệu trong thẻ căn cước đòi hỏi các phần mềm, phần cứng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn ICAO, tiêu chuẩn do Bộ Công an ban hành và phải có xác thực của chủ thẻ. Không chỉ vậy, thẻ căn cước còn có chức năng đối sánh vân tay/khuôn mặt của công dân với vân tay và khuôn mặt lưu trong chip, cho phép xác thực đảm bảo chính xác chủ thẻ, nên việc lấy trộm thẻ căn cước để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp là không thể thực hiện.

So với thẻ căn cước công dân thì thẻ căn cước sẽ được mở rộng, tích hợp thông tin nhiều loại giấy tờ khác của công dân vào thẻ; trên thẻ có vùng bộ nhớ cho phép lưu trữ dữ liệu mở rộng của bộ, ngành. Để thực hiện việc thêm dữ liệu vào vùng bộ nhớ mở rộng này, cần sử dụng mã ISD Key để xác thực. Hiện nay, chỉ Bộ Công an có ISD Key có thể cập nhật thông tin do các bộ, ngành cung cấp thông qua chương trình cập nhật, bổ sung dữ liệu để bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin trong chip.

* Công dân hiện nay được khuyến khích đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để giao dịch, khi áp dụng Luật Căn cước năm 2023 thì việc sử dụng 2 loại giấy tờ này như thế nào?

- Công dân đã được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì theo khoản 17 Điều 3, Điều 31 Luật Căn cước năm 2023, đây sẽ là căn cước điện tử của công dân. Khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, tùy theo cách thức thực hiện (như trực tiếp hoặc trực tuyến), công dân có thể lựa chọn sử dụng thẻ căn cước hay căn cước điện tử cho phù hợp với nhu cầu của mình.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trien-khai-luat-can-cuoc-2023-tao-moi-dieu-kien-cho-nguoi-dan-co-nhu-cau-doi-can-cuoc-post717106.html