Triển khai một số nội dung cấp bách trong phòng-chống dịch tại Pleiku và Chư Sê
Ngày 28-10, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh có Công văn hỏa tốc số 592/CV-BCĐ về việc tiếp tục triển khai một số nội dung cấp bách trong phòng-chống dịch Covid-19 khi tình hình dịch phức tạp tại TP. Pleiku và huyện Chư Sê.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp, nhất là tại huyện Chư Sê và TP. Pleiku, nhiều trường hợp dương tính cộng đồng chưa tìm được nguồn lây. Để tiếp tục triển khai một số nội dung cấp bách trong phòng-chống dịch Covid-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai một số nội dung cấp bách như sau:
Tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh; kiên định các nguyên tắc phòng-chống dịch và phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là; nâng cao tinh thần chủ động trong phòng-chống dịch; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện ở mức cao nhất quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch, nhất là tuân thủ nguyên tắc 5K, hạn chế tập trung đông người, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ủy ban nhân dân-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nghiêm ngặt việc quản lý công dân cách ly tại nhà/giám sát y tế theo dõi sức khỏe sau cách ly; quản lý công dân về từ vùng dịch; tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chỉ đạo Trung tâm Y tế, Trạm Y tế phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm tầm soát người về từ vùng dịch theo Công điện số 1700/CĐ-BYT ngày 25-10-2021 của Bộ Y tế về tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP.
Chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trên cơ sở diễn biến dịch bệnh tại địa bàn, Chủ tịch UBND-Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch của địa phương quyết định các biện pháp cấp bách để phòng-chống dịch Covid-19, nếu vướng mắc khó khăn hoặc vượt thẩm quyền khẩn trương báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét, hướng dẫn, chỉ đạo.
Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, UBND các địa phương chủ động trong việc huy động lực lượng ngoài ngành Y tế (các tổ chức chính trị cơ sở, thanh niên tình nguyện, dân quân, tự vệ, hội phụ nữ...) cùng ngành Y tế tham gia phục vụ hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 (lập danh sách tiêm chủng, nhập liệu, phân luồng, hướng dẫn giãn cách, hướng dẫn quy trình...) để sớm đạt độ bao phủ vắc xin theo kế hoạch. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng. Đẩy nhanh tiến độ tiêm cho các đối tượng trong vùng đang xảy ra dịch bệnh, nhất là tại TP. Pleiku và huyện Chư Sê, nhưng cần đảm bảo an toàn, thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế. Sở Y tế kiểm tra, đôn đốc và báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh tiến độ tiêm vắc xin trước 17 giờ mỗi ngày; điều chuyển vắc xin sang địa phương khác và xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, trung tâm y tế nếu tiêm chậm.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều động Tổ công tác của Trung tâm đang tham gia công tác phòng-chống dịch tại huyện Kbang về hỗ trợ công tác phòng-chống dịch tại TP. Pleiku và xem xét bổ sung thêm lực lượng hỗ trợ cho huyện Chư Sê để sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp cần thiết, cần thiết lập ngay phương án huy động nhân lực y tế để hỗ trợ các địa phương trên. Tiếp tục thực hiện đánh giá dịch tễ thường xuyên, liên tục để sớm phát hiện, truy vết xét nghiệm tầm soát các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ (người về từ vùng dịch, tài xế...).
Thực hiện cung ứng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các Trạm Y tế thuộc địa bàn tỉnh để tăng cường sàng lọc các trường họp có yếu tố dịch tễ hoặc các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... Chỉ đạo các đội phản ứng nhanh và các lực lượng liên quan thần tốc truy vết Fl, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly tập trung F1 ngay khi phát hiện; thông báo các mốc dịch tễ cho các địa phương khác có liên quan để phối hợp truy vết. Phối hợp với Y tế địa phương để tăng cường lấy mẫu trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao và mẫu ngẫu nhiên đối với các khu vực dân cư lân cận, trên địa bàn huyện Chư Sê và TP. Pleiku.
Chỉ đạo các bệnh viện, các đơn vị điều trị, phòng khám trên địa bàn siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 tại bệnh viện và phòng khám tư nhân; tổ chức thực hiện thiết lập 4 vòng kiểm soát, phân luồng sàng lọc 24/24 giờ ngay từ đầu, thường xuyên cập nhật các địa phương có nguy cơ, phổ biến cho bộ phận sàng lọc để kịp thời phát hiện những trường hợp có yếu tố dịch tễ hoặc nghi nhiễm Covid-19; phân luồng theo đúng quy định tại Quyết định số 1385/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc “rút kinh nghiệm tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp” và thường xuyên đánh giá Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng-chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp được ban hành tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đối với TP. Pleiku và huyện Chư Sê thực hiện nghiêm theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch mới, khoanh vùng rộng, cách ly và xử lý triệt để ổ dịch mới, tiếp tục duy trì khống chế các ổ dịch cũ đang hoạt động, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiêm và cắt đứt nguồn lây, sớm bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, hạn chế tối đa dịch bùng phát lớn, lan rộng trong cộng đồng, sớm kiểm soát dịch bệnh.
Tổ chức thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 và tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó việc xét nghiệm tầm soát thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; giao cho địa phương triển khai hiệu quả, kết hợp hiệu quả giữa test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 và xét nghiệm theo phương pháp PCR với phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt đối với cụm dân cư còn yếu tố nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để hạn chế nguồn bệnh nếu còn trong cộng đông.
Nắm bắt chính xác tình hình, đánh giá nguy cơ và triển khai các hoạt động tương ứng được quy định và hướng dẫn tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, xác định các cấp độ dịch để chỉ đạo áp dụng các biện pháp tương ứng và chỉ đạo các xã, phường có phương án cụ thể cho từng vùng, giữ vững và mở rộng vùng bình thường mới, thu hẹp vùng nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao.
Riêng đối với TP. Pleiku: thống nhất triển khai các nội dung đề xuất tại Tờ trình số 656/TTr-UBND ngày 28-10-2021 của UBND TP. Pleiku về việc xin ý kiến triển khai một số biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
KIỀU PHAN