Triển khai một số nội dung liên quan đến sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị

Chiều 17/4, tại thành phố Đồng Hới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội nghị triển khai một số nội dung liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh theo chủ trương của Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MN)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MN)

Các đồng chí: Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình và Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, trải qua các giai đoạn lịch sử, Quảng Bình-Quảng Trị đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, cũng như có nhiều nét tương đồng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý…, cùng chung chiến tuyến “Bình Trị Thiên khói lửa”; đấu tranh bảo vệ mảnh đất “Quảng Bình-Vĩnh Linh".

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Quảng Bình-Quảng Trị sáp nhập, hợp nhất thành tỉnh Quảng Trị mới.

Nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh mà còn định hướng mở ra không gian lớn hơn để phát triển trong tương lai, với những yếu tố tương đồng làm nền tảng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình lê Ngọc Quang cho rằng, hợp nhất hai tỉnh Quảng Trị-Quảng Bình là chủ trương đúng đắn và là bước chuẩn bị quan trọng của Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Việc thực nhiện đề án hợp nhất tỉnh trong thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều nên đồng chí Lê Ngọc Quang đề nghị lãnh đạo chủ chốt 2 tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung trí tuệ, trách nhiệm cao nhất, đóng góp ý kiến để đưa ra phương án sắp xếp tối ưu, phù hợp với thực tiễn của 2 tỉnh.

 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MN)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MN)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải cho rằng, những điểm tương đồng giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa là điều kiện thuận lợi cho 2 địa phương thực hiện đề án sáp nhập, hợp nhất. Lãnh đạo 2 tỉnh cũng đã có sự trao đổi, phối hợp, chia sẻ để triển khai các công việc trong quá trình chuẩn bị sắp xếp, sáp nhập và sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa để hoàn thành các công việc đề ra.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề vướng mắc, băn khoăn khi hợp nhất 2 tỉnh, như cán bộ công chức có những lo lắng, trăn trở như đi làm xa gia đình, việc ăn ở đi lại khó khăn; đề xuất có những hỗ trợ vấn đề đi lại, hỗ trợ nhà ở công vụ cho cán bộ làm việc tại Trung tâm hành chính của tỉnh mới.

Để đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đúng thời gian và bảo đảm hiệu quả, trước mắt, 2 tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị gồm 34 thành viên, do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang làm Trưởng Ban và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải đồng Trưởng Ban.

Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo xây dựng “Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình” gắn với thành lập các cơ quan hành chính và hệ thống tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội theo Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kết luận số 130 ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Kế hoạch số 47 ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về kế hoạch sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.

Một góc thành phố Đồng Hới - Trung tâm hành chính-chính trị của tỉnh Quảng Trị trong tương lai. (Ảnh: HG)

Một góc thành phố Đồng Hới - Trung tâm hành chính-chính trị của tỉnh Quảng Trị trong tương lai. (Ảnh: HG)

Về các băn khoăn của một số đại biểu, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ bàn các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề này, có chủ trương chung về nhà công vụ, cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ công chức làm việc xa gia đình, tính toán cơ chế phương tiện đi lại...

Hội nghị thống nhất cao về đề án, giao các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thiện đề án và tổ chức lấy ý kiến nhân dân sớm nhất, sau đó trình Trung ương quyết định. Đây là nhiệm vụ chính trị chung, có ý nghĩa chiến lược, từ đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị với tinh thần tránh các biểu hiện tiêu cực, phân biệt “tỉnh tôi-tỉnh anh”, tư tưởng cục bộ khi triển khai hợp nhất 2 tỉnh, gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất ở tỉnh mới.

Thường trực Tỉnh ủy 2 tỉnh thống nhất giao Đảng ủy Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chỉ đạo hoàn chỉnh đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn 2 tỉnh theo quy định của pháp luật trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị (mới) có diện tích gần 12.700km2, quy mô dân số hơn 1,8 triệu người, dự kiến có 78 đơn vị hành chính cấp xã, trung tâm hành chính-chính trị đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện nay.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trien-khai-mot-so-noi-dung-lien-quan-den-sap-nhap-hop-nhat-2-tinh-quang-binh-va-quang-tri-post873317.html