Triển khai nghị quyết phát triển năng lượng quốc gia: Phải nhanh và quyết liệt hơn
Ngày 22/7, tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần phải thực hiện nhanh và quyết liệt hơn Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành với nhiều điểm mới đột phá, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với phát triển năng lượng quốc gia mà còn đối với phát triển kinh tế của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, với nhiều điểm mới trong quan điểm phát triển của Nghị quyết số 55-NQ/TW sẽ tạo ra làn gió mới cho việc phát triển năng lượng của quốc gia một cách bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời nhấn mạnh đến việc cần phải coi trọng hơn các cơ hội của Nghị quyết mang lại. Đây là cơ hội tái cấu trúc và phát triển toàn diện ngành năng lượng của Việt Nam, phải đi từ vấn đề nghiên cứu phát triển (R&D) đến sản xuất, thương mại, thị trường nhằm đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cần phải coi đây là cơ hội để cải cách nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, sạch hơn, giảm khí thải.
Đối với chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải thực hiện nhanh và quyết liệt hơn. Do vậy, bên cạnh xây dựng chính sách, kế hoạch, cần xây dựng ngay các trung tâm phát triển R&D trong ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, từ chuyển giao công nghệ đến ứng dụng công nghệ, hoàn thiện và nâng cấp, phát triển công nghệ. Đây là mấu chốt quan trọng để tiệm cận và tiến tới làm chủ công nghệ, mang lại hiệu quả cao nhất theo hướng sử dụng ít đất, công suất lớn hơn, phát triển ổn định hơn, giảm ảnh hưởng đến môi trường nhiều hơn và phải đẩy mạnh nội địa hóa, như vậy mới giảm được giá thành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần phải kết hợp đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước, phải có sự kết nối giữa các doanh nghiệp này, chứ không để tách rời, mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển điện gió, điện khí ngoài khơi. Khuyến khích phát triển, thực thi các quy định của pháp luật để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đây là vấn đề rất quan trọng. Theo đó, cần chú trọng phát triển điện mặt trời áp mái, bởi lĩnh vực này huy động được các nguồn vốn trong tư nhân và không phải thực hiện hệ thống đấu nối, hệ thống truyền tải.
Cùng với đó, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành năng lượng. Có cơ chế đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn các nhà đầu tư trong thực hiện các dự án. Nghiên cứu, xây dựng mạng lưới điện kết nối với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan để bổ sung cho nhau một cách hiệu quả. Phải có chương trình truyền thông rộng rãi, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng như việc sử dụng điện tiết kiệm của người dân và bảo vệ môi trường.
Nghị quyết số 55-NQ/TW khẳng định: Mục tiêu tổng quát của định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2045 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại./.