Triển khai nhanh các gói hỗ trợ: Tạo sức bật cho nền kinh tế
Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 khi Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Đây chính là “thời điểm vàng” đẩy nhanh thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế đang được triển khai với quy mô lớn để giúp nền kinh tế Việt Nam “bật dậy” nhanh hơn, mạnh hơn sau đại dịch.
Chính sách tài khóa nới lỏng
Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã có văn bản phân công, phân nhiệm đến các đơn vị trong bộ tổ chức thực hiện 18 nhiệm vụ, giải pháp tài khóa được giao chủ trì và 13 nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các bộ, cơ quan khác, gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể.
Đến thời điểm này, một số chính sách như việc miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống. Như giảm 2% thuế GTGT trong năm 2022 cho các sản phẩm và dịch vụ hiện đang chịu mức thuế GTGT 10%. Tổng giá trị cắt giảm thuế khoảng 49.000 tỷ đồng (khoảng 2,1 tỷ USD). Giảm thuế bảo vệ môi trường của xăng còn 2.000 đồng/lít, dầu 1.000 đồng/lít... Ngoài ra, còn nhiều chính sách hỗ trợ khác đang được thực hiện như: Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022, các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế để hỗ trợ phục hồi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cùng với các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đang được hoàn thiện, một số chính sách mới được ban hành trong tuần qua như Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 28/3) về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Chính sách mới được ban hành và được triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, số tiền thuế được hỗ trợ sẽ góp phần giúp DN, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác dộng của dịch Covid-19 phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nên kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chỉ cần tăng thêm 1 điểm phần trăm tiêu dùng sẽ giúp GDP tăng 0,12%.
Chính sách tiền tệ tìm đến với doanh nghiệp
Liên quan đến chính sách tiền tệ, chương trình hỗ trợ lãi suất lên đến 40.000 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD), Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định DN thuộc nhóm ngành nghề nhất định để được hỗ trợ; trong đó, có nhóm DN hỗ trợ phục hồi và nhóm DN tận dụng cơ hội phát triển cho tương lai như: Công nghệ thông tin, công nghệ số. Do đó, được sớm tiếp cận vốn giá rẻ và đổ vốn vào phát triển hạ tầng tạo động lực cho nền kinh tế là kỳ vọng của cộng đồng DN đối với việc triển khai gói hỗ trợ này. NHNN đã hoàn thành các văn bản, dự thảo các quy định pháp quy trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định, như dự thảo Nghị định về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết năm 2022, NHNN sẽ có các giải pháp để tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục và phát triển. Đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong quá trình triển khai, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để kịp thời điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phải đẩy nhanh đầu tư công
Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 5 cấu phần quan trọng nhất của gói hỗ trợ và hoạt động này đã được phân bổ ngân sách 114.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho các năm 2022 và 2023.
Cập nhật tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3 là 61.602,05 tỷ đồng, đạt 11,01% kế hoạch. Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính nêu rõ, tỷ lệ ước giải ngân 3 tháng đầu năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Có tới 46/51 bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước, trong đó, thậm chí có 29 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, công tác GPMB cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn các tồn tại, vướng mắc như một số hộ dân kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ, chưa nhận đất tái định cư; một số mồ, mả chưa di dời;.... Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, vẫn còn một số khó khăn tập trung ở phần đầu tư công, do có liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt dự án.
"Tiến độ cũng như công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đang chậm hơn một chút, do các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau. Ngay cả công tác tổng hợp dự án thuộc Chương trình cũng chậm hơn do tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau" - ông Phương cho biết.
Ðể khắc phục, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ cho phép nơi nào xong trước thì tổng hợp các dự án, trình Thủ tướng, nơi nào hoàn thiện sau thì trình sau, tạo điều kiện giải ngân sớm khi đã có đủ điều kiện. Theo Bộ KH&ĐT, về cơ bản, đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói hỗ trợ về đầu tư công thuộc Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Lãnh đạo Chính phủ giao thì Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án, các bộ, cơ quan, địa phương khác, đồng thời phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và các tập thể, cá nhân có liên quan...
Nhưng tư tưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, quyết liệt. “Chúng tôi cho rằng, sẽ có những vướng mắc khó khăn nhất định, nhưng bộ máy phải tuân thủ chỉ đạo chung của Thủ tướng, của Chính phủ” - lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói.
Theo các chuyên gia, việc các địa phương tập trung giải ngân tốt tại các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công hàng năm cũng sẽ là cơ hội để được xem xét bổ sung thêm vốn từ chương trình phục hồi. "Cũng có thể là sẽ có một số địa phương với những dự án phân bổ vốn đầu tư công trong năm 2022 và 2023 chưa đủ mà họ có khả năng giải ngân vượt quá số đó thì Chính phủ cũng có thể điều ngay từ gói 350.000 tỷ đồng, qua đó đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình dự án vào để phát huy tác dụng" - ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết.
"Việc giải ngân vốn đầu tư trong gói hỗ trợ cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, khi đã có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu và yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân thường xuyên để cấp có thẩm quyền giám sát. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ ngành cũng cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn." - PGS.TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
"Cần thiết lập một cơ chế tổ chức thực thi chương trình hiệu quả, theo nguyên tắc tổng thể, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, kết hợp giám sát và hỗ trợ chuyên môn. Đặc biệt, gắn kết giữa chương trình này với nhiệm vụ khác, như Chiến lược tổng thể. Chính phủ, các bộ ngành cần vận dụng có hiệu quả các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép để triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ để tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế." - TS Cấn Văn Lực
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trien-khai-nhanh-cac-goi-ho-tro-tao-suc-bat-cho-nen-kinh-te.html