Triển khai nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông khi cả nước trở lại trạng thái bình thường mới

(QTO) - Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra sáng nay 6/1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Lê Minh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Lê Minh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội sẽ từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông vận tải quay về mức độ trước khi có đại dịch COVID-19 và dự báo tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm “sống chung với COVID-19”. Chính vì vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng kế hoạch năm ATGT 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đặt ra mục tiêu trong năm 2022 và những năm tiếp theo phải tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% về số vụ TNGT, số người chết và bị thương. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, trước hết là tăng cường, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm đáp ứng kịp thời, đặc biệt là quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và và hàng không.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kịp thời kết hợp rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công công trong đô thị và liên tỉnh.

Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân. Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Trong tuyền truyền chú trọng đối tượng là học sinh, sinh viên; chú trọng tuyên truyền thông qua nền tảng số, mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự ATGT và phòng chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung dữ liệu giữa các ngành có liên quan trong thực thi pháp luật. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2021 cả nước giảm 3.496 vụ TNGT (-23,32%), giảm 1.068 người chết (-15,55%), giảm 3.143 người bị thương (-28,16%). Nguyên nhân giảm TNGT là do diễn biến COVID-19 phức tạp dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm sâu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương có số vụ TNGT và số người chết tăng cao; còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng xe khách, xe tải chạy quá tốc độ cho phép, vi phạm về nồng độ cồn, chở quá số người quy định, đi sai làn đường, vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải… Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra tại các chốt kiểm dịch, cá biệt nhiều địa phương tự ban hành quy định riêng đã ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa…

Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, bàn các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT khi cả nước trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần phục hồi nền kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=164006&title=trien-khai-nhiem-vu-dam-bao-an-toan-giao-thong-khi-ca-nuoc-tro-lai-trang-thai-binh-thuong-moi