Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021
Sáng ngày 11-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố tham dự.
Từ đầu năm đến nay đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Ở trong nước, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời, đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; ổn định an sinh xã hội…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Kế hoạch 5 năm 2021 - 2026 của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội… đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện cùng với những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển", toàn ngành tập trung triển khai giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cơ bản và cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau. Năm 2021 với các mục tiêu chính như: Bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ "hậu Covid"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1-1-2021…
CHÍ BẢO