Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022
Ngày 10/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022. Tới dự có đồng chí Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Hữu Tuyển, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
2021 là năm thứ 2 dịch Covid – 19 bùng phát, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực KT – XH, vượt lên khó khăn, ngành ngân hàng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, hoàn thành mục tiêu kép, giữ vững vai trò “huyết mạch” trong phát triển kinh tế.
Tổng nguồn vốn huy động vượt mức 100.000 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2020), trong đó, huy động vốn từ 12 tháng trở lên đạt hơn 34.6 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt 101.393 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2020), cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước, trong đó, dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 31.1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%.
Hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế; chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Năm 2021, đã có 22.400 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 được vay mới với lãi suất ưu đãi; gần 22.900 khách hàng, trong đó có 1.395 doanh nghiệp được hạ lãi suất vay hiện hữu trên tổng dư nợ 39.500 tỷ đồng.
Các TCTD thực hiện miễn, giảm lãi vay hơn 5 tỷ đồng cho 120 khách hàng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 130 khách hàng với dư nợ 350 tỷ đồng; miễn, giảm 15 tỷ đồng phí dịch vụ cho 332.000 lượt khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid – 19, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh đã thực hiện rà soát, cho 4 khách hàng sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho 200 lao động với dư nợ 720 triệu đồng; 1 doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất với dư nợ 1,1 tỷ đồng.
Dưới sự điều hành của NHNN, các TCTD trên địa bàn từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các TCTD tích cực mở rộng phát triển sản phẩm, kênh cho vay phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục vay vốn; triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng cường triển các chương trình tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách...
Thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, 95% TCTD trên địa bàn đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số, qua đó, nhiều nghiệp vụ ngân hàng được số hóa 100%. Số lượng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 24 triệu món với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng (tăng 25,5% so với năm 2020).
Mạng lưới ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng về quy mô với 28 chi nhánh TCTD cấp I, 1 tổ chức tài chính vi mô, 9 chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp cấp huyện, 99 PGD trực thuộc các TCTD, 31 Quỹ tín dụng nhân dân và 136 điểm giao dịch của NHCSXH; 235 máy ATM, 850 POS được lắp đặt tại các cơ sở, chuỗi phân phối bán lẻ, cơ sở y tế, trường học... tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thanh toán và sử dụng tiện ích ngân hàng.
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng tăng trưởng tín dụng tăng 14%, đảm bảo cung ứng đủ vốn, tạo động lực phát triển kinh tế, năm 2022, NHNN chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải tăng trưởng huy động vốn, tín dụng phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở đồng hành, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, đồng thời, tăng cường an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.