Triển khai nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quý II
Sáng 15-4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về kết quả thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp quý I, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp quý II-2020. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sáng 15-4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về kết quả thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp quý I, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp quý II-2020. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quý I giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn ngành Nông nghiệp tỉnh (giá so sánh năm 2010) ước đạt 3.901 tỷ đồng, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh có 7 HTX thành lập mới, 1 HTX giải thể, 1 HTX sáp nhập, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 345 HTX. Sở NN và PTNT cùng các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các HTX xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, giữ vững nguồn hàng để đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tổ chức hiệu quả đợt cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo kế hoạch. Tiếp tục duy trì, phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 3 chuỗi liên kết mới. Kiểm soát, cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho 3.300 tấn ngao chế biến xuất khẩu; thẩm định cấp, cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho 20 cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục tham mưu, đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp…
Quý II-2020, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc nông dân phòng, trừ bệnh đạo ôn cổ bông lúa trên giống nhiễm, nhất là trà lúa trỗ bông trước ngày 10-5. Tổ chức tốt đợt cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, kết hợp với rầy lứa 2 về bệnh khô vằn tập trung từ ngày 22 đến 30-4; đồng thời tập trung bảo đảm đủ nước cho lúa trỗ bông, phơi màu thuận lợi. Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng vật tư nông nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kèm nhiều loại thuốc không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, không để tình trạng lợi dụng chống dịch để tăng giá hoặc bán hàng không bảo đảm chất lượng. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và động vật thủy sản; quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi, nhất là việc tái đàn lợn. Tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để dịch lây lan trên diện rộng, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt đợt tiêm phòng vắc xin vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng. Hướng dẫn các hộ nuôi phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị cao phù hợp với quy hoạch, điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước của từng vùng. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các HTX nông nghiệp tổ chức đại hội thành viên nhiệm kỳ 2020-2025, củng cố phát triển các HTX nông nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình liên kết có hiệu quả cao tại địa phương. Đôn đốc các địa phương đăng ký đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn, vận động nhân dân và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm trong tỉnh nỗ lực duy trì năng lực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Theo dự báo, năm nay sẽ có 4-5 cơn bão ảnh hưởng đến khu vực đất liền, trong đó có tỉnh ta, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan, phát triển hại lúa xuân, rau màu, thủy sản và gia súc, gia cầm. Trước tình hình trên, các địa phương, ngành Nông nghiệp cần xác định sản xuất nông nghiệp là “bà đỡ” cho nền kinh tế nên cần tập trung đồng bộ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, dự tính, dự báo để bảo đảm giành thắng lợi toàn diện trong sản xuất. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của ngành chức năng. Đối với trồng trọt bảo đảm điều kiện tốt nhất cho các trà lúa, cây màu vụ xuân sinh trưởng tốt, đồng đều, khỏe; đồng thời các huyện tập trung rà soát, đánh giá, phân loại các trà lúa, các đối tượng dịch hại để có chỉ đạo cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế bảo đảm hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý bệnh bạc lá lúa vì chưa có thuốc đặc trị để phòng bệnh, tuyệt đối không bón phân đạm, nếu có chỉ bón thêm kali. Các đối tượng dịch bệnh còn lại như: sâu cuốn lá, đạo ôn, rầy lưng trắng… thì thực hiện tốt dự tính, dự báo và xác định đúng thời điểm phòng, trừ theo từng trà, từng giống. Sở NN và PTNT hướng dẫn cụ thể theo từng thời điểm, vùng và địa phương. Các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin để bảo đảm thị trường minh bạch. Đối với chăn nuôi, trên cơ sở kế hoạch chăn nuôi của tỉnh, các địa phương triển khai tốt việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tập trung các giải pháp tái đàn lợn nuôi an toàn dịch bệnh, có kiểm soát, an toàn sinh học; không quá coi trọng tổng đàn, tập trung tái đàn ở những trang trại, gia trại có quy mô lớn, hộ đủ điều kiện, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Chú trọng giám sát, quản lý các loại dịch bệnh, tập trung làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng; tập trung và phát huy tốt hiệu quả của vôi bột; yêu cầu các hộ nuôi thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng dịch bệnh. Các huyện, thành phố cần làm tốt công tác giám sát, phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh phát triển, lây lan. Tập trung dọn vệ sinh toàn bộ diện tích nuôi thủy sản và tổ chức thả giống trong khung thời vụ tốt nhất. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Tiếp tục phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị. Tập trung tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 của các HTX nông nghiệp sau khi hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Chuẩn bị tốt công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 bảo đảm hiệu quả, sát thực tế, góp phần giảm thiệt hại do bão, lụt gây ra./.