Triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 16/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Năm 2023, tỉnh Ninh Bình không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới nhưng xảy ra 9 đợt nắng nóng diện rộng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lớn và lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy đã gây ngập lúa, màu, thủy sản, nhà cửa của các hộ gia đình tại những thôn ngoài đê của huyện Gia Viễn, thiệt hại khoảng 6,4 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của 20 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, xảy ra 3 đợt rét đậm, rét hại, 6 đợt mưa vừa, mưa to.

Để phòng, chống thiên tai, tỉnh đã thường xuyên quan tâm kiện toàn, nâng cao năng lực Ban chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai.

Đồng thời, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp.

Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, diễn tập phương án ứng phó với thiên tai được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó sự cố của các cấp chính quyền, người dân về PCTT&TKCN.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác "4 tại chỗ", chủ động chuẩn bị vật tư, lực lượng, trang thiết bị, hậu cần đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, các trọng điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh và thống nhất các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho công trình PCTT trong mùa mưa bão. Toàn tỉnh đã thành lập 143 đội xung kích PCTT cấp xã với gần 12.000 người, đáp ứng yêu cầu ứng phó giờ đầu khi có thiên tai xảy ra.

Công tác quản lý, đầu tư, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều và công trình hồ đập PCTT được chú trọng. Năm 2023, toàn tỉnh đã duy tu, sửa chữa trên 2900 m đê, trên 170 m kè, xử lý vết nứt mặt đê trên 1.400 m, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, làm rõ hơn kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nêu bật những kinh nghiệm cũng như chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này.

Để làm tốt công tác PCTT&TKCN năm 2024, một số ý kiến đề xuất cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, diễn tập, đặc biệt là các nội dung phòng thủ dân sự; củng cố, mua sắm phương tiện, trang thiết bị; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; cải tạo, đầu tư thêm các âu neo đậu tàu thuyền cho ngư dân; đảm bảo an toàn hồ đập; chủ động phương án khắc phục sản xuất nông nghiệp sau mưa bão...

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá cao sự chủ động, chỉ đạo bài bản, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác PCTT&TKCN. Đặc biệt, các trọng điểm, những nơi xung yếu về đê, kè, cống, trạm bơm... trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng, các địa phương chủ động tham mưu, xử lý, khắc phục, nâng cấp để đảm bảo năng lực phòng chống lũ. Nhờ vậy, thời gian qua, Ninh Bình đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương bổ sung, hoàn thiện phương án PCTT&TKCN; kiểm tra, rà soát lại toàn bộ đê, kè, cống; các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, quy trình vận hành xử lý lũ, nhất là tại các khu vực trọng điểm, cắt tỉa cây xanh. Tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân.

Đồng chí giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát lại các điểm trọng yếu, đặc biệt như đê tả Hoàng Long, hồ Đập Trời (huyện Nho Quan), âu sông Chanh (huyện Hoa Lư), âu Hải đội 2... nếu cần xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn thì nhanh chóng đề xuất tỉnh bố trí nguồn vốn.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi nghiên cứu đề xuất quy trình vận hành các trạm bơm; phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh lên phương án phòng, chống ngập úng tại KCN Gián Khẩu và KCN Khánh Phú, vừa đảm bảo tiêu úng, vừa kiểm soát tốt vấn đề môi trường.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt quan điểm và phương châm hành động đó là chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản.

Đồng thời, lưu ý các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp phải tăng cường nắm bắt tình hình, địa bàn phụ trách, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề phát sinh, sẵn sàng các phương án khi cần thiết; tuyệt đối không để xảy ra sự cố lớn ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của Nhân dân.

Nguyễn Lựu - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-nhiem-vu-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu/d2024051614135286.htm