Triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021

Chiều 31-5, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết sản xuất vụ mùa, vụ đông 2020, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021. Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Chiều 31-5, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết sản xuất vụ mùa, vụ đông 2020, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021. Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tổng kết của Sở NN và PTNT vụ mùa năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy 72.911ha, trong đó có 385ha sản xuất giống lúa lai F1; năng suất lúa bình quân đạt 52,10 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; Sản lượng lúa đạt 379.902 tấn, tăng 1.536 tấn so với vụ mùa năm 2019. Sản xuất vụ đông đã tập trung trồng các cây rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là các cây màu truyền thống. Các địa phương đã trồng 9.521ha rau màu các loại, trong đó trên đất 2 lúa là 1.304ha. Năng suất các loại cây trồng tương đương và cao hơn cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên giá bán sản phẩm cây vụ đông đều thấp hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của COVID-19. Giá trị sản lượng cây vụ đông 2020 đạt 626,9 tỷ đồng, bình quân đạt 65,85 triệu đồng/ha.

Theo kế hoạch, vụ mùa 2021, toàn tỉnh gieo cấy 73.300ha; phấn đấu gieo trồng 11.200ha trở lên rau màu vụ đông. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông hàng hóa và có mô hình sản xuất rau an toàn hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản... Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tích cực đổi mới cơ cấu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, bảo vệ cây trồng. Phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa mùa xong trước ngày 20-7. Căn cứ điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn sử dụng 3-4 giống lúa chủ lực, mỗi hộ nông dân lựa chọn sử dụng một hoặc hai giống, hạn chế tối đa đưa giống Bắc thơm số 7 vào cơ cấu giống của địa phương. Đối với các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 phải thực hiện theo quy trình thâm canh, hướng dẫn của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Chủ động phòng bệnh lùn sọc đen và bạc lá lúa bằng việc lựa chọn, sử dụng giống ít nhiễm rầy và bạc lá, áp dụng phương thức thâm canh lúa cải tiến... Chủ động triển khai các biện pháp thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Đối với công tác chăn nuôi, thú y của tỉnh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật đang phát sinh, lây lan và chưa được khống chế dứt điểm. Trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo và quyết liệt thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch nhất là việc áp dụng nghiêm ngặt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp, các địa phương đạt được trong sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2020. Sau khi chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, đồng chí yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức sớm hội nghị tổng kết, đánh giá vụ mùa, vụ đông năm 2020, xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021. Tập trung nhân rộng các mô hình điểm về tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình thâm canh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, phấn đấu cấy xong lúa mùa trước ngày 20-7. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động lực lượng, phương tiện thu hoạch nhanh, gọn lúa xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch đến đâu tổ chức làm đất đến đó để hạn chế nguồn lây bệnh trên đồng ruộng và chuẩn bị tốt cho việc gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất. Chủ động xây dựng các phương án phòng, chống úng bảo vệ lúa, cây màu. Tăng cường công tác thú y, quản lý đàn vật nuôi, nhất là phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban nông nghiệp xã, thị trấn. Tăng cường quản lý thị trường vật tư nông nghiệp. Đồng chí giao Sở NN và PTNT tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2021, phòng chống dịch bệnh. Các Công ty khai thác công trình thủy lợi khẩn trương tu sửa máy móc, thiết bị, công trình, tập trung giải tỏa các điểm vi phạm, khơi thông dòng chảy, bám sát diễn biến thời tiết để phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai hiệu quả, phấn đấu giành kết quả sản xuất vụ mùa, vụ đông cao nhất./.

Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202105/trien-khai-nhiem-vu-san-xuat-vu-mua-vu-dong-nam-2021-2544381/