Triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, chính quyền và nhân dân huyện Lấp Vò triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục phát triển kinh tế. Trong đó, địa phương chú trọng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Huyện Lấp Vò
Theo UBND huyện Lấp Vò, từ đầu năm đến nay, lao động tại các DN trên địa bàn huyện gặp nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đối với các lao động ngoài huyện có hơn 300 lao động thất nghiệp, tăng 122 lao động so với cùng kỳ. Với lao động tự do, chịu nhiều tác động nhất là đội ngũ bán vé số, xe ôm, người lao động ở các cơ sở ăn uống, giải khát... phải ngừng, cắt giảm kinh doanh để chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, tình hình tiêu thụ một số loại sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: xoài, mít, dưa hấu, cá tra... gặp nhiều khó khăn khi giá xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Trong khi đó, nông dân vẫn còn tập quán sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ với DN chưa nhiều khiến đầu ra các loại nông sản gặp rất nhiều khó khăn.
Trong những tháng đầu năm, trong khi các mặt hàng nông sản khác gặp khó khăn vì dịch Covid-19 thì tình hình xuất khẩu gạo vẫn ổn định do các DN trên địa bàn huyện chủ động tìm kiếm thị trường mới thay thế nhằm bù đắp sự thiếu hụt và duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết tháng 2/2020, xuất khẩu gạo của huyện đạt trên 17.500 tấn. Hiện, toàn huyện có 27 cơ sở, DN chế biến, xay xát, lau bóng gạo (trong đó có 7 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang nước ngoài).
Theo huyện Lấp Vò, tổng số DN trên địa bàn huyện chịu tác động dịch Covid-19 chiếm số lượng 21/304 DN. Trong đó, có 7 DN xin giải thể; có 1 DN gửi đơn xin tạm ngưng hoạt động và xin miễn giảm thuế. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều như: dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu...
Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người dân, DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 29/4, UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức rà soát 4 nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ gồm: người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trên địa bàn huyện. Tổng số người được hưởng chính sách hỗ trợ là hơn 20.000 người, với kinh phí hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện cũng triển khai gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuế đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay chưa có DN, hộ cá nhân gửi văn bản đề nghị xin gia hạn thời gian nộp thuế.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng và sản xuất kinh doanh làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước; thực hiện hạn thời gian nộp thuế, tiền thuế đất làm dịch chuyển số thu về cuối năm. Về thu ngân sách nhà nước, trong quý I năm 2020, địa phương thu hơn 348 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch. Giảm thu tính đến ngày 17/4/2020, có 159 lượt DN với số tiền thuế nộp thấp hơn cùng kỳ năm trước, số tiền thuế giảm khoảng 32 tỷ đồng so với số thu cùng kỳ năm 2019.
Theo bà Trương Thị Diệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, thời gian tới, huyện sẽ triển khai các giải pháp thu ngân sách nhà nước phù hợp. Xem xét giảm chi những khoản phát sinh ngoài dự toán chưa thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo chủ đầu tư tập trung công tác triển khai lựa chọn thầu và tăng cường giám sát, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình tiêu thụ nông sản để nông dân nắm bắt thông tin, từ đó có định hướng sản xuất phù hợp. Địa phương sẽ tăng cường kết nối giữa các vùng sản xuất tập trung và các kênh tiêu thụ nông sản nhằm hỗ trợ giải quyết đầu ra cho nông sản trong thời điểm xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Trong buổi làm việc với UBND huyện Lấp Vò về rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong việc chú trọng triển khai đồng bộ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Đồng thời khai thác tốt những lợi thế của huyện là sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thủy sản.
Nhằm vực dậy các thế mạnh của địa phương sau dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu huyện Lấp Vò phải thay đổi theo định hướng mới, lấy con người làm cốt lõi, tiên phong. Trong đó, nhanh chóng bắt tay trở lại các hoạt động để khôi phục sản xuất tất cả các ngành; kết nối tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; chú trọng công tác tư tưởng trong cán bộ, hệ thống chính trị và người dân trong việc tuyên truyền tốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Mặt khác, huyện cần chú trọng đánh giá tác động của dịch bệnh nhằm thích ứng với điều kiện, điều chỉnh từng chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội, thu ngân sách cho phù hợp. Thường xuyên gặp gỡ để nắm bắt khó khăn cho DN; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ngoài ra, huyện cần đổi mới điều hành công tác lãnh đạo chỉ đạo, thể hiện tính tiên phong của người đứng đầu. Đồng thời thúc đẩy việc ươm mầm ý tưởng để định hướng cho các dự án khởi nghiệp; triển khai tốt chương trình OCOP của địa phương...